Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Một xã có tới hai quy hoạch – dự án mắc kẹt

Quỳnh Trâm - 7 giờ trước

Thanh Kỳ là xã miền núi, tỉnh Thanh Hoá, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, đời sống kinh tế phụ thuộc vào cây lâm nghiệp. Mặc dù là địa phương có tiềm năng lớn về lâm nghiệp, nhưng đến nay trên địa bàn chưa có nhà máy, công ty nào hoạt động. Qua nhiều năm nghiên cứu, khảo sát, một dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ đã được đề xuất, song lại đang vướng mắc do chồng chéo quy hoạch.

Người dân mong mỏi thoát nghèo từ rừng keo.( Ảnh: Quỳnh Trâm)
Người dân mong mỏi thoát nghèo từ rừng keo.( Ảnh: Quỳnh Trâm)

Xã Thanh Kỳ được thành lập sau khi sáp nhập hai xã Thanh Kỳ và Thanh Tân (huyện Như Thanh cũ). Là xã miền núi, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Phần lớn lao động tại đây sống nhờ trồng rừng, đặc biệt là cây keo, với quy mô trồng nhỏ lẻ.

“Mỗi chu kỳ trồng keo mất 5 đến 7 năm mới thu hoạch, thu nhập cũng bấp bênh vì giá cả thất thường. Cả xã không có nhà máy hay mô hình sản xuất gì, con cái học xong lại phải bỏ quê đi xa làm thuê”, ông Hà Văn Tân, một người dân ở thôn Khe Cát chia sẻ

Theo UBND xã Thanh Kỳ, toàn xã có hàng nghìn ha rừng trồng nhưng việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, giá trị thấp, không tạo ra nhiều việc làm. “Chúng tôi mong muốn có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gỗ, để người dân có đầu ra ổn định và việc làm ngay tại quê nhà”, ông Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã nói.

Tháng 7/2025, Công ty cổ phần BVN Thanh Hóa đã chính thức có văn bản gửi UBND xã Thanh Kỳ, đề xuất đầu tư Nhà máy sản xuất viên nén gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại địa bàn. Đây là dự án có quy mô lớn, thuộc chuỗi 4 nhà máy mà doanh nghiệp này phát triển tại Việt Nam, nhằm phục vụ xuất khẩu và điện sinh khối.

Theo đại diện Công ty, dự án sẽ tạo đầu ra ổn định cho hàng nghìn ha rừng keo, đồng thời đưa người dân địa phương tham gia vào chương trình chứng chỉ rừng bền vững FSC, mở ra hướng phát triển xanh – sạch – bền vững. Kế hoạch giai đoạn đầu là cấp chứng chỉ FSC cho 4.000 ha tại xã Thanh Kỳ, dự kiến hoàn thành ngay trong tháng 7.

Doanh nghiệp cũng đã làm việc với các hộ dân vùng dự án, hoàn tất bước khảo sát, đo đạc, thống nhất việc chuyển nhượng đất để triển khai dự án.

UBND xã Thanh Kỳ mong muốn tháo gỡ vướng mắc quy hoạch để đón dự án đầu tư.(ảnh Quỳnh Trâm)
UBND xã Thanh Kỳ mong muốn tháo gỡ vướng mắc quy hoạch để đón dự án đầu tư (Ảnh: Quỳnh Trâm)

Tuy nhiên, khi hồ sơ trình lên cấp tỉnh để xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án bất ngờ bị “mắc cạn”. Nguyên nhân là vị trí dự án nằm trong vùng có quy hoạch đất rừng sản xuất theo Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, nhưng lại được xác định là đất sản xuất kinh doanh theo Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021–2030 của huyện Như Thanh cũ.

Chính sự chồng chéo này khiến dự án chưa thể được phê duyệt, dù đã nhận được sự đồng thuận từ người dân và chính quyền xã.

“Chúng tôi đã đầu tư nhiều tháng khảo sát, phối hợp chặt chẽ với xã và huyện, nhưng giờ vướng quy hoạch lại không biết bao giờ tháo gỡ. Nếu kéo dài, nguy cơ lỡ mất cơ hội là rất lớn”, ông Nguyễn Quốc Anh,  Giám đốc điều hành dự án của Công ty BVN  chia sẻ.

Theo UBND xã Thanh Kỳ, đây là một trong số ít dự án được doanh nghiệp chủ động đề xuất đầu tư tại địa bàn trong nhiều năm qua. Không chỉ giải quyết đầu ra cho gỗ rừng trồng, dự án còn được kỳ vọng tạo việc làm, thay đổi nhận thức sản xuất của người dân, giúp xã từng bước thoát khỏi danh sách địa phương đặc biệt khó khăn.

“Đây là cơ hội rất quan trọng để thay đổi cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch”, ông Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Bám bản làng, nuôi chí lớn

Bám bản làng, nuôi chí lớn

Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ trên mảnh đất biên cương bộn bề gian khó, chúng tôi đã từng cảm thán trước những con người trẻ đầy hoài bão và sự dấn thân. Họ..., những chàng trai, cô gái ở bản trên, mường dưới ấy luôn đau đáu với một nỗi niềm chung về sự phát triển cho quê hương, đất nước.