Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Đồng bào Cơ Ho giữ gìn hạt lúa mẹ

PV - 15:46, 01/02/2023

Từ xa xưa, đồng bào Cơ Ho ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã có truyền thống sản xuất lúa đồi, hay còn gọi là lúa rẫy. Đối với họ, lúa rẫy không chỉ đơn thuần là cây lương thực để duy trì cuộc sống, mà nó còn ẩn chứa một nét đẹp văn hóa cần phải giữ gìn.

Lúa rẫy được xem là đặc sản sạch của đồng bào DTTS ở xã Gia Bắc
Lúa rẫy được xem là đặc sản sạch của đồng bào DTTS ở xã Gia Bắc

Theo dòng chảy của thời đại, trong những năm gần đây, cây cà phê cũng như nhiều loại cây ăn trái khác phát triển đã đem lại thu nhập cho người dân, nên diện tích lúa rẫy, lúa mẹ đã dần nhường chỗ cho những loại cây này. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong huyện Di Linh vẫn dành một diện tích nhất định để duy trì và giữ gìn, phát triển giống lúa truyền thống được ông bà, cha mẹ nhiều thế hệ trước để lại.

Hạt lúa rẫy trên những quả đồi ở xã Gia Bắc nay đã to tròn, chắc nịch, vàng ươm. Tại đây, diện tích trồng lúa rẫy biến động theo từng năm bởi tập quán trồng trọt của đồng bào. Mỗi năm, lúa rẫy chỉ được trồng đúng một mùa vụ, từ tháng 6 đến tháng 12 hoặc sớm hơn, từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Đối với đồng bào dân tộc Cơ Ho, hạt lúa đồi có giá trị tinh thần rất lớn. Lúa rẫy từ xa xưa được xem là “hạt ngọc” của trời, gắn liền với đời sống, tâm linh của đồng bào. Không chỉ góp phần bảo đảm lương thực hàng ngày, mà những phong tục văn hóa đặc sắc gắn liền với lúa rẫy vẫn theo họ mãi theo thời gian.

Mùa lúa năm này, gia đình bà Ka Hệt ở thôn Ka Sá trồng gần 1 sào lúa rẫy. Bà cho biết: “Năm nay, mưa nhiều nên lúa trên rẫy tốt lắm, hạt nhiều và to đều. Gia đình tôi mới thu hoạch, phơi khô được 4 bao”. Qua lời bà Ka Hệt chia sẻ, tập quán của người Cơ Ho nơi đây, trồng lúa rẫy đều để sinh trưởng và phát triển theo lẽ tự nhiên của đất trời, mà không hề sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Hàng năm, từ tháng 5 - 6 dương lịch, đồng bào bắt đầu dọn rẫy, gieo hạt, đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt rồi lấp hạt lúa lại, chừng 6 tháng sau, vào khoảng tháng 12 âm lịch là thu hoạch..

Bà Hệt cho biết, quy trình trồng lúa rẫy rất đơn giản. Vào đầu mùa vụ, đồng bào chọn những con đồi thoải, kết hợp trồng lúa đồi tại những vườn cà phê còn thấp. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con lấy những hạt lúa giống đã tuyển chọn gieo vào đất. Từ lúc trỉa hạt cho đến khi thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ, còn sự sống thì phó mặc cho cây tự sinh, tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Sau 6 tháng trồng, nếu thời tiết thuận lợi, cây lúa rẫy sẽ đơm bông, kết thành những hạt lúa to, chắc nịch, tỏa hương thơm ngát.

Chị Ka Hom, thôn Nao Sẻ cho biết, lúa rẫy hiện nay không còn nhiều, mỗi gia đình chỉ trồng từ 1 - 2 sào là cách đồng bào gìn giữ nét văn hóa truyền thống và bảo tồn giống lúa, duy trì giống cho các vụ sau. Việc trồng lúa này có từ ngày xưa, ông bà truyền lại cho hạt giống để gieo trồng. Người trong thôn từ nhỏ ai cũng biết cách trồng lúa rẫy. Lúa rẫy khi nấu chín hạt rời và có vị ngọt, bùi rất riêng biệt. Ngày càng có nhiều người dân các nơi tìm đến thưởng thức lúa rẫy, bởi lúa được trồng hoàn toàn tự nhiên theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hàm lượng chất dinh dưỡng cao.

Theo thông tin UBND xã Gia Bắc, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng hơn 3 ha đất trồng lúa rẫy. Sản lượng tuy không cao nhưng được xem là 1 đặc sản “sạch” của đồng bào dân tộc thiểu số. Cây lúa rẫy ở Gia Bắc không được khuyến khích trồng nhiều, bởi các triền núi có độ dốc cao. Việc người dân đốt rừng trồng lúa dễ gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến rừng. Tuy nhiên, một số hộ dân tận dụng phần diện tích đất trống sau khi thu hoạch cà phê để trồng lúa đồi để có thêm lương thực, nhưng điều quan trọng hơn là họ muốn gìn giữ lại giống lúa truyền thống của cha ông. Những hạt lúa này chỉ được dùng trong những dịp lễ, dùng để cúng Yàng hoặc để dùng làm quà tặng cho du khách phương xa. 

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các linh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.