Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đồng bào Cơ-ho thay đổi cách nghĩ, cách làm

PV - 14:49, 31/01/2018

Dời khỏi cánh đồng còn lởm chởm nhiều mô đá, mồ hôi đẫm ướt chiếc áo sờn màu nhưng bà Ka Hậu (ở thôn Đạ Nhing 1, Đạ Tông, Đam Rông, Lâm Đồng) vẫn tươi rói nụ cười và tự tin chẳng bao lâu nữa những thửa đất hoang, cằn cỗi cũng sẽ biến thành những nương sắn tốt tươi. Niền tin của bà Hậu cũng là minh chứng cho sự thay đổi tư duy, thay đổi cách làm của nhiều buôn làng người Cơ-ho khác ở huyện nghèo Đam Rông. Sự thay đổi ấy sẽ giúp nhà nhà tiến đến sự ấm no.

 Phụ nữ Cơ-ho ở Đạ Tông cũng đã biết vỡ vạc đất đá trồng sắn. Phụ nữ Cơ-ho ở Đạ Tông cũng đã biết vỡ vạc đất đá trồng sắn.

 

“Đẻ nhiều và lạc hậu là nghèo”

Câu truyền miệng ngắn gọn này giờ đây nhiều người Cơ-ho ở Đam Rông nhẩm thuộc hàng ngày. Ông K’Tuấn ở thôn Đạ Nhing 2 (xã Đạ Tông) xác nhận; Ít năm trước, cánh đàn ông cứ thấy khi nào có ít cà phê, ít bắp (ngô) trong nhà là tụ tập uống rượu, rong chơi cho đến cạn kiệt rồi mới đi làm.

Vậy nên, có khi quanh nhà, quanh thôn buôn, diện tích đất hoang còn nhiều, cán bộ vận động mà bà con vẫn thờ ơ. Trong những cuộc nhậu ấy, ai cũng khoe nhiều con, rồi đẻ tiếp. Có nhà đẻ cả chục đứa… cái nghèo bủa vây, có lúc ngẩn ngơ trong bế tắc. Được tuyên truyền mãi rồi cũng hiểu ra nên quyết phải từ bỏ tư duy làm được ít nào phải ăn chơi cho bằng hết rồi đói mới làm tiếp.

Xóa bỏ những ý nghĩ lạc hậu, người Cơ-ho ở Đam Rông còn dần áp dụng tiến bộ của Khoa học-Kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Tự hào là người được dùng chiếc máy vò bắp đầu tiên, bà Ka Bru và nhiều người khác ở xã Đạ M’rông chia sẻ: Ngày đầu tiên thấy máy móc mình còn sợ và khi cán bộ giải thích mình còn hoài nghi nó bằng sắt sao làm công việc của con người được?.

Giờ thì các xã đều biết dùng máy hết rồi. Hồi năm 2017 nhiều buôn làng còn bon bắp bằng tay, bon đến mệt lả cũng không bằng máy nó làm một tí. Tiện lợi lắm. Ngay cả bón phân, cách trồng các loại cây như cà phê, ca cao cũng làm theo cách mới hết.

Máy móc được bà con Cơ-ho ở Đam Rông đưa vào ứng dụng. Máy móc được bà con Cơ-ho ở Đam Rông đưa vào ứng dụng.

 

Mỗi lần bắt đầu mùa vụ, bà con ùa đến các nhà cộng đồng chật cứng để háo hức nghe cán bộ truyền đạt kiến thức, kỹ thuật. Trước đây, làm theo cách cũ có trồng xong bỏ đó, có năm sắn, bắp, cà phê sâu bệnh mất mùa nên nghèo. Giờ không sợ nghèo nữa.

Nhìn những kết quả đạt được là góc nhà ắp sắn, bắp, cà phê, mùa giáp hạt, ngày Tết luôn đủ đầy nên người Cơ-ho hiểu ra cứ cần cù, chịu khó rồi “sỏi đá cũng thành cơm”.

Những triền dốc chen chúc đá cục ở xã Đạ Tông, Rô Men, Liêng Srôn… đã ken rày sắn cao sản. Bà Ka Brỗi ở Đạ Nhing 2 (xã Đạ Tông) khoe: Nhiều phụ nữ Cơ-ho cũng thay đổi cách nghĩ rồi, không coi việc vỡ đất hoang là việc của đàn ông nữa mà xông xáo sắn tay vào làm. Sắn cao sản trồng xen vào những khu đất cằn, xen vào giữa những tảng đá vẫn cho củ rất nhiều, lại không bỏ phí đất.

Có nhiều việc làm đàn ông Cơ-ho cũng bớt rượu chè và gây lộn như trước kia, phụ nữ thì không đua nhau đẻ nhiều nữa. Ý nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ” cần phải đổi thay để con cái được chăm sóc tốt, được thông thạo con chữ. Nếp sống mới dần hiện hữu ở nhiều buôn làng.

Liên kết thành các tổ chăn nuôi

Cuộc sống dần ổn định, người Cơ-ho ở Đam Rông còn hướng đến các mô hình làm ăn mới là các tổ liên kết chăn nuôi để thay đổi cuộc sống, tiên phong trong cách làm ăn này là xã Rô Men. Anh Ha Ti, Tổ trưởng Tổ liên kết chăn nuôi thôn 4 (xã Rô Men) tin tưởng; Mô hình này không lạ với nhiều nơi còn ở vùng sâu Đam Rông này thì rất mới nhưng khi hiểu ra lợi ích thì bà con thay đổi cách nghĩ ngay. Hội Nông dân xã làm đầu tàu hướng dẫn từ kỹ thuật chăm sóc bò, các xử lý phân, kỹ thuật chuồng trại… sau đó 4 hộ dân tiên phong trong thôn 4 góp 12 con bò cái sinh sản, góp gần 1ha đất tốt để trồng cỏ và cùng nhau làm chuồng trại.

Mô hình Tổ liên kết chăn nuôi ở Rô Men phát huy hiệu quả. Mô hình Tổ liên kết chăn nuôi ở Rô Men phát huy hiệu quả.

 

Bò được chăn nuôi theo đàn sinh trưởng tốt. Để tiết kiệm tối đa thời gian và công sức, luân phiên mỗi hộ dân trong tổ liên kết sẽ cử người ra chăm sóc bò một tuần, chăm sóc cỏ cũng vậy. Anh Ha Ti phân tích thêm; Với cách làm này, hàng tháng, mỗi gia đình chỉ phải đi chăn bò mấy ngày chứ không phải ngày nào cũng phải chăn như trước kia. Phân bón được dùng cho chính cánh đồng cỏ chung của các hộ góp vào nên nguồn dinh dưỡng cho bò luôn được đảm bảo. Nhiều hộ nuôi bò nhưng cũng chỉ phải dựng một cái chuồng nên rất tiết kiệm.

Ngoài trang bị, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, để tiếp sức cho cách làm mới này, Hội Nông dân xã Rô Men còn cho Tổ liên kết chăn nuôi thôn 4 vay số tiền gần 100 triệu đồng để tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Theo UBND xã Rô Men thì; đây là mô hình rất hiệu quả. Tiết kiệm được cả thời gian lẫn công sức. Mô hình còn chứng tỏ được người Cơ-ho đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và không còn ỷ lại vào Nhà nước nữa. Đặc biệt, tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng được người Cơ-ho hăng hái thể hiện.

Sau khi thăm quan mô hình Tổ liên kết chăn nuôi ở xã Rô Men, ông Ka Hùng, một nông dân tiêu biểu ở xã Phi Liêng cũng tràn ngập hy vọng những dự định mới. Ông Hùng cho biết; Người Cơ-ho mình phải dần chủ động tiếp cận các cách làm ăn mới thôi. Nếu không sẽ không khá lên được. Trồng cà phê, sắn theo kỹ thuật mới thì đã làm được rồi. Giờ chăn nuôi cũng phải thay đổi.

Trong năm 2018 này, tôi sẽ vận động bà con đồng bào mình ở xã Phi Liêng lập các tổ giúp nhau chăn nuôi gia cầm trong rẫy cà phê, chăn nuôi bò. Cứ nuôi theo kiểu thả rông vừa mất vệ sinh vừa gặp rất nhiều rủi do lại không tận dụng được nguồn phân bón từ bò. Nhà có hỗ trợ cho nhà chưa có, đoàn kết nhau cùng cổ vũ nhau làm ăn thì mới thoát nghèo được.

ĐÔNG HƯNG