Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đồng bào DTTS sập bẫy lừa đi lao động nước ngoài - Vì sao: Vỡ mộng “việc nhẹ, lương cao” (Bài 1)

Hường-Dung-Thu-Anh - 09:28, 13/07/2022

Câu chuyện người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS bị dụ dỗ đi lao động ở Campuchia rộ lên những ngày qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đi lao động trái phép đang diễn ra ở nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước. Tin theo lời hứa “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ lạ, nhiều người dân nghèo bị kẻ xấu lừa sang Campuhia và rồi vỡ mộng ngay khi chạm chân đến nước bạn. Người bị bạo hành, đánh đập, người ôm nợ, người thì bị trao qua bán lại từ công ty này sang công ty khác như món đồ, thậm chí có người bỏ cả mạng sống. Tất cả vì thiếu hiểu biết, vì nhẹ dạ, cả tin và có cả sự bồng bột của tuổi trẻ ước muốn có công việc làm phụ giúp gia đình.

Mang hy vọng đổi đời, nhiều thanh niên ở các làng quê nghèo, chủ yếu người DTTS bị lừa sang Campuchia làm việc văn phòng, mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Miền đất hứa bỗng biến thành địa ngục trần gian khi hàng ngày họ phải làm việc quá sức, nhận những trận đòn roi “thừa sống, thiếu chết”, lời đe dọa tính mạng.

Ngôi nhà của 1 trong 7 nạn nhân làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai lừa đi lao động qua Campuchia
Ngôi nhà của 1 trong 7 nạn nhân làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai bị lừa đi lao động qua Campuchia

Sập bẫy lừa

Không hợp đồng, chỉ giao kèo miệng làm việc văn phòng, lương cao, thưởng nhiều khi vượt doanh thu. Những lời nói ngọt của các đối tượng “cò mồi” như có ma lực hấp dẫn lao động trẻ ở các vùng quê Việt Nam. Vì mong muốn có công việc làm ổn định, mức lương như lời hứa để đỡ dần cho gia đình. Không ít bạn trẻ sẵn sàng sang Campuchia để làm việc mà không biết rõ công việc mình sẽ làm, cũng như cuộc sống nơi đất khách.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm, nương rẫy ít, anh em Puih Đại và Puih Thái ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai mong muốn tìm công việc mới có thu nhập ổn định đỡ đần gia đình. Số phận đưa đẩy, Puih Đại gặp tay “cò lao động” Trần Quang Quyết (SN 2001), trú xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum.

Puih Đại kể: Mình tình cờ quen biết Quyết và nghe Quyết giới thiệu xuống TP. Hồ Chí Minh làm việc làm nhẹ nhàng, lương 18-20 triệu đồng/tháng, muốn ứng tiền trước gửi cho gia đình cũng được. Thấy lời mời làm việc hấp dẫn, em hỏi một vài anh em xem có ai muốn đi cùng thì đi. Khi ấy 4 người bạn trong làng là Puih Môi, Puih Phú, Ksor Jối, Puih Chiêu quyết định cùng đi làm với em. Ngày hôm sau, có thêm anh trai em là Puih Thái và Ksor Gum cũng đi theo.

Cứ như vậy 7 thanh niên làng Kloong, xã Ia O bị đối tượng Quyết lừa đưa sang Campuchia làm việc. “Vì hoàn cảnh gia đình mình nghèo quá, mấy năm nay mình làm thuê cuốc mướn, vất vả mà chẳng đủ ăn. Vì vậy, mình muốn tìm đường đi làm có công việc, đồng lương ổn định, không ngờ lại ra nông nỗi này”, Puih Đại buồn bã nói.

5 nạn nhân làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Laitrong vụ lừa 7 người qua Campuchia được Bộ đội Biên phòng tỉnh Gai Lai đưa về địa phương an toàn
5 nạn nhân làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai trong vụ 7 người bị lừa qua Campuchia được Bộ đội Biên phòng tỉnh Gai Lai đưa về địa phương an toàn

Tình trạng người lao động bị dụ dỗ đi lao động tại Campuchia cũng đang diễn ra rầm rộ ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, họ gọi tắt là đi “Cam làm game”.

Mấy tháng trước, Tẩn Văn C. dân tộc Dao ở xã Quang Kim đã cùng 8-9 thanh niên huyện Bát Xát theo môi giới dẫn dắt xuống Hà Nội để bay vào TP. Hồ Chí Minh, rồi đến cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh để sang Campuchia làm việc như đã thỏa thuận. Công việc nhàn hạ, chẳng cần bằng cấp cũng không qua đào tạo gì. 

Tẩn Văn C. cho biết: Chủ của những hãng Game này hầu hết người Trung Quốc, họ trả lương thưởng hậu hĩnh để thu hút nhiều người thu nhập thấp sẵn sàng bỏ nhà, vượt biên đi làm. Công việc đơn giản, em chỉ cần gửi tin nhắn mời người vào chơi game, hướng dẫn họ cách nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và rút tiền ra nếu thắng. Càng nhiều người chơi thì doanh thu công ty càng cao, càng được thưởng nhiều. Nhưng khi người chơi bỏ dần, doanh thu của công ty giảm xuống, lương của chúng em giảm theo. Nếu không đạt doanh số phần thiếu sẽ được dồn vào tháng sau. Doanh thu không đủ mà muốn về sẽ bị phạt tiền.

Lực lượng Biên phòng đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Pui Thái và Pui Đại
Lực lượng Biên phòng đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Pui Thái và Pui Đại

Địa ngục nơi trần gian

Trò chuyện với chúng tôi, Ksor Gum ở làng Kloong, xã Ia O ngồi cúi mặt, e dè với người lạ. Nhớ lại những ngày kinh hoàng vừa trải qua ở Campuchia, Ksor Gum vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Gum bảo: Mình cứ nghĩ là đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, không biết rằng mình sẽ bị lừa qua Campuchia làm việc. Người ta yêu cầu mình làm trên máy tính, zalo, tik tok để lừa bạn bè, người thân của mình. Không làm được thì bị người ta đánh đập, bỏ đói. Mình nghỉ học từ nhỏ, không biết chữ, không biết dùng máy tính nên không làm được việc. Họ đánh đập hàng ngày, khắp người lúc nào cũng đầy những vết bầm tím, đau lắm, còn nhốt vào phòng kín không có chỗ đi vệ sinh và bị bỏ đói. Không chịu được nữa mình gọi điện về nhà cầu cứu gia đình kiếm tiền chuộc mình về.

Không có việc làm, tìm việc khó khăn, anh T.P.V (21 tuổi) ở xã vùng cao Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi lên mạng xã hội tìm việc. Tìm hiểu một trang Web thấy công việc phù hợp, V. liên lạc làm thủ tục, hồ sơ và sập bẫy đường dây lừa sang Campuchia làm việc.

Bà Puih Phiăn, mẹ của Pui Thái và Pui Đại vẫn chưa hết bàng hoàng dù cho 2 đứa con trai của bà đã về nhà an toàn
Bà Puih Phiăn, mẹ của Pui Thái và Pui Đại vẫn chưa hết bàng hoàng dù cho 2 đứa con trai của bà đã về nhà an toàn

Đôi mắt trầm tư nghĩ về những ngày làm việc nơi đất khách, bị ép buộc làm việc quá sức, bị đánh đập hành hạ suốt nhiều tháng, V. bỗng rùng mình. V. bảo, bên đó có đông người Việt lắm. Họ nhốt chúng tôi trong một tòa nhà, bên ngoài có nhiều người Campuchia canh gác. Họ phát cho mỗi người 1 cái tô, chén và 1 đôi đũa, đến giờ ăn tự ra hành lang lấy, không kịp lấy thì chịu đói. Mọi hoạt động từ làm việc đến sinh hoạt đều ở không gian đó, không được ra khỏi tòa nhà và cũng không được nói chuyện với nhau. Làm việc từ 8h sáng đến 22h tối mới nghỉ, nhưng lại không được trả đồng lương nào.

Dừng lại vài giây, hít một hơi thở thật sâu, giọng run run, V. kể tiếp: nếu nguồn thu mang về không đủ định mức thì bị đánh, có lần tên môi giới gọi đến phòng bắt quỳ gối, dùng dùi cui đánh hộc máu miệng, sưng húp mặt mày, đau lắm. Người Việt ở đây ít nhiều đều trải qua những trận đòn. Có lần tôi nói chuyện mẹ ốm, muốn về nhà thế là bị trói treo ngược lên, bị đánh một trận bầm dập. Đầu năm 2022, tôi được chủ cho về nhưng phải đóng tiền chuộc 60 triệu đồng. Gia đình nghèo xoay sở số tiền đó rất khó khăn, đến hẹn chưa có tiền đóng nên ngày nào tôi cũng bị tra tấn, có ngày 2 trận đòn. “Bây giờ tôi đã ở nhà cùng gia đình, nhưng tâm trí vẫn hay hoảng sợ, ám ảnh những trận đòn, ám ảnh tháng ngày sống trong địa ngục.

Theo thông tin từ Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia đã đưa hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, bạo hành vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bài 2: Gian nan đường trở về 

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.