Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đồng bào Vân Kiều học tập Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực

Phạm Tiến - 6 giờ trước

Cho hàng xóm mượn đất canh tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau vốn để thoát nghèo, hiến đất để xây trường học…, là cách mà bà con Vân Kiều ở nhiều địa bàn vùng miền núi Quảng Trị học tập và làm theo Bác Hồ. Bằng những hành động cụ thể và lan tỏa tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau, đồng bào Vân Kiều đã xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ hằng mong ước.

Phát huy tinh thần “Thương người như thể thương thân”

Đã gần 70 năm trôi qua, kể từ ngày Người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác. Tình cảm mà bà con Vân Kiều dành cho Bác là tình cảm thiêng liêng, ruột thịt. Trong chiến tranh, người Vân Kiều kiên trung cùng Đảng và quân dân cả nước anh dũng đánh đuổi quân xâm lược. Hòa bình lập lại, bà con Vân Kiều lại đoàn kết chung sức để xây dựng đất nước ngày càng ấm no. 

Đặc biệt, hòa cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chính quyền cùng bà con Vân Kiều ở Quảng Trị đang học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phát huy sức mạnh đoàn kết và tinh thần “thương người như thể thương thân”, tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Nhờ được cho mượn đất để sản xuất nên nhiều hộ đồng bào Vân Kiều ở thôn Hà Lệt xây dựng được mô hình sinh kế vươn lên thoát nghèo
Nhờ được cho mượn đất để sản xuất nhiều hộ đồng bào Vân Kiều thôn Hà Lệt, xã Tân Thanh, huyện Hướng Hóa xây dựng được mô hình sinh kế vươn lên thoát nghèo

Chuyện bắt đầu từ sự trăn trở “làm thế nào để bà con Vân Kiều ở thôn Hà Lệt thoát nghèo" của lãnh đạo địa phương. Bởi thôn Hà Lệt, là bản thiếu đất sản xuất nên 143 hộ đồng bào Vân Kiều ở đây luôn rơi vào tình trạng thiếu lương thực, không có mô hình sinh kế để thoát nghèo. Trước thực tế đó, Đảng Ủy xã Tân Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đưa ra chủ trương đi mượn đất để cho bà con Vân Kiều ở thôn Hà Lệt trồng sắn và trồng chuối.

Từ chủ trương của Đảng ủy xã Tân Thành, các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc, tích cực tuyên truyền vận động đồng bào ở trong xã cho bà con ở bản Hà Liệt mượn đất. Kết quả, đã có 20 hộ dân các thôn, bản trong xã Tân Thanh cho 32 hộ ở Hà Lẹt mượn 35 ha đất để sản xuất. Nhờ đó, trong 3 năm 2022 - 2024, thôn Hà Lệt có nhiều hộ đã xây dựng được các mô hình sản xuất cải thiện sinh kế, trong đó có 23 hộ Vân Kiều đã vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát Triển, ông Hồ Năng ở thôn Hà Lẹt cho biết: “Với tinh thần thương người như thể thương thân, nhiều hộ gia đình ở trong xã đã cho người dân ở thôn Hà Lẹt mượn đất. Nhờ đó, nhiều gia đình ở Hà Lệt có điều kiện sản xuất trồng trọt vươn lên thoát nghèo”.

Người dân chia sè kinh nghiệm, giúp nhau thoát nghèo ( Trong ảnh: Nghề đan chổi đói cũng giúp nhiều hộ Vân Kiều ở Hà Lêt có thu nhập ổn định)
Người dân chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau thoát nghèo ( Trong ảnh: Nghề đan chổi đót cũng giúp nhiều hộ Vân Kiều ở Hà Lêt có thu nhập ổn định)

Người Vân Kiều là vậy, mộc mạc mà chân thành. Họ sẵn lòng cho hàng xóm mượn đất canh tác để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Việc làm ấy nghe qua tưởng chừng là bình thường nhưng ngẫm lại nó chứa đựng cả nghĩa cử đẹp, tinh thần nhân văn nhân ái mà đồng bào Vân Kiều ở xã Tân Thanh, huyện Hướng Hóa dành cho đồng bào mình.

 Tìm hiểu thực tế cho thấy, ngoài chủ trương đúng hướng, linh hoạt của Đảng ủy xã Tân Thanh tìm ra các giải pháp trong công tác xóa đói giảm nghèo, đưa các Nghị quyết, phong trào thi đua lao động sản xuất; nhất là Phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh những năm qua đã lan tỏa trong cuộc sống, từ đó, bà con Vân Kiều ở xã Tân Thanh từng bước hiểu rõ tinh thần, nội dung của các phong trào, thấm nhuần tư tưởng khoan dung, độ lượng và lòng bác ái của Bác nên chủ trương “mượn đất” trở nên dễ dàng đi vào cuộc sống.

Hiến đất xây trường

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục. Người khẳng định “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Với người Vân Kiều ở Quảng Trị, để mở trường học cho các cháu nhiều hộ gia đình Vân Kiều sẵn sàng hi sinh lợi ích riêng. Từ một tấm gương điển hình hiến đất mở trường, hai tấm gương hiến đất mở trường….phong trào hiến đất mở trường học được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bà con Vân Kiều ở Quảng Trị.

Ông Phạm Trọng Hổ (bên trái), Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tặng hoa biểu dương ông Hồ Văn Hạnh vì đã tự nguyện hiến đất mở rộng trường học
Ông Phạm Trọng Hổ (bên trái), Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tặng hoa biểu dương ông Hồ Văn Hạnh, người tự nguyện hiến đất mở rộng trường học

Những người con dân tộc Vân Kiều như ông Hồ Hạnh ở bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, đã hiến 600m2 đất để xây dựng 2 phòng học và các công trình phụ trợ ở Điểm trường Mầm Non bản 7. Nghĩa cử của ông Hạnh đã được chính quyền địa phương; lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa ghi nhận và biểu dương. Hay như hộ gia đình ông Hồ Văn Mai, ở thôn Loa, xã Ba Tầng đã tự nguyện hiến 2.250 m2 đất để xây dựng phòng ở nội trú cho học sinh….

Phong trào hiến đất làm trường học trong cộng đồng bà con Vân Kiều đã lan rộng ra nhiều huyện. Tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, gia đình chị Hồ Thị Manh đã hiến 250m2 đất để mở rộng khuôn viên trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô…; Đó là những tấm gương tiêu biểu Người Vân Kiều sẵn sàng hi sinh lợi ích riêng của gia đình mình cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương. 

Từ việc làm hiến đất mở trường học của những người con dân tộc Vân Kiều ấy đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là động lực, sức mạnh to lớn giúp địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đề ra.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết: “Đảng bộ huyện Hướng Hóa tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Với đồng bào Vân Kiều ở địa phương nói riêng, bà con học Bác bằng những việc làm rất cụ thể và thiết thực”.

Nhờ được hiến đất để mở rộng khuôn viên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô (Vinh Linh, Quảng Trị) đã có khuôn viên khang trang
Nhờ được hiến đất để mở rộng khuôn viên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã có khuôn viên khang trang

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là việc làm thường xuyên và liên tục, đó là trách nhiệm và cũng là nguyện vọng của mỗi người dân đất Việt. Mỗi người, mỗi vị trí công việc, mỗi địa phương khác nhau có cách tiếp cận và học Bác để phù hợp với vị trí, vai trò của mình trong xã hội. Nhưng tất thảy, tựu chung học Bác là để mỗi chúng ta trưởng thành hơn, đóng góp được nhiều hơn cho Tổ Quốc thân yêu. Với đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị, học Bác là làm thật tốt những việc cụ thể có lợi cho bản làng, cho quê hương đất nước.   

Tin cùng chuyên mục