Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng bào Xơ Đăng giữ cho rừng Bắc Trà My thêm xanh

Văn Bình - 08:49, 16/10/2024

Người Co và Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) là hai thành phần DTTS chính cư ngụ ở huyện vùng cao Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ có những khu rừng thiêng, nơi trấn giữ, an nghỉ của người “khuất núi” và luôn được cộng đồng trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt, tạo thành những “vùng sáng” giữ rừng ở cộng đồng.

Rừng thiêng Mộ Leo, bên sông Làng Gạch, được giữ nghiêm ngặt như rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, muông thú. Ảnh. VB.
Rừng thiêng Mộ Leo, bên sông Làng Gạch, được giữ nghiêm ngặt như rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, muông thú. Ảnh: VB

Những khu rừng bất khả xâm phạm

Trong tiềm thức của người Co và Ca Dong, rừng ma, rừng thiêng là những khu rừng linh thiêng, nơi chôn cất người chết, trấn giữ của các đấng thần linh. Rừng này cách xa làng mạc bởi những khu đồi núi, cánh đồng, sông suối để việc sinh hoạt, mưu sinh của người sống không làm ảnh hưởng tới người đã khuất. Người Co gọi rừng ma, rừng thiêng là gốc sờ nưng, gốc c'lo; còn người Ca Dong gọi là gung h'năng.

Ông Hoàng Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, ông nội của ông là Liệt sĩ Đinh Tựu (1906 - 1956), nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã được dân làng bí mật mang vào rừng Mộ Leo, bên sông Làng Gạch để chôn. Từ đó, hầu hết những người thân, dòng tộc của gia đình ông Tựu khi qua đời đều được chôn cất ở đây. Rừng Mộ Leo hiện có diện tích khoảng 4ha, với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú.

Theo già làng Huỳnh Văn Sáu (dân tộc Co, thôn 1, xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My), ở Trà Nú có vài chục khu rừng thiêng. Riêng khu bên kia sông Làng Gạch có hàng chục khoảnh như Mô Thil Léo, Mô Ra Zớ, Mô Thil Tóc, Mô Tở Póc… Rừng thiêng là nơi kiêng kị. Khi có người qua đời thì dân làng đưa vào chôn. Hằng năm, vào khoảng ngày 20 - 25 tháng Chạp hoặc chuẩn bị đón Tết Độc lập, thì những người làng là thanh niên, đàn ông trưởng thành sẽ vào khu rừng thiêng để phát cây, dọn vệ sinh cho mồ mả người thân.

Biển hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cạnh đường vào các khu rừng thiêng ở sông Làng Gạch, xã Trà Nú. Ảnh: VB.
Biển hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cạnh đường vào các khu rừng thiêng ở sông Làng Gạch, xã Trà Nú. Ảnh: VB

Vùng sáng giữ rừng

Trên địa bàn huyện Bắc Trà My có 11/13 xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là người Co, Ca Dong. Mặc dù địa phương chưa thống kê chính thức số lượng, diện tích các khu rừng thiêng, nhưng ước tính sơ bộ, toàn huyện có vài trăm điểm, khoảnh, khu rừng thiêng với tổng diện tích lên đến cả trăm ha. Sự kiêng kị, tôn kính bề trên, tôn kính người đã khuất nằm dưới những khu rừng thiêng là phong tục, tập quán văn hoá có tính giáo dục truyền thống rất đáng quý của đồng bào. Những khu rừng thiêng thật sự là những “vùng sáng” giữ rừng trong cộng đồng.

Ông Trương Bá Lâm, Phó Hạt trưởng Phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My cho biết, những năm gần đây, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hơn 28.396/29.212ha rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện ở Bắc Trà My đã có chủ quản lý, là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và các cộng đồng dân cư. Hầu hết diện tích rừng này đang được chăm sóc, quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hạn chế thấp nhất các vụ xâm hại, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Một khoảnh rừng thiêng như rừng nguyên sinh, tán cao, rậm rạp, bao bọc xung quanh là khu rừng trồng có tán thấp tại thôn 1, xã Trà Nú. Ảnh: VB.
Một khoảnh rừng thiêng như rừng nguyên sinh, với tán cao, rậm rạp, bao bọc xung quanh là khu rừng trồng có tán thấp tại thôn 1, xã Trà Nú. Ảnh: VB

Trao đổi về công tác bảo vệ rừng, ông Nguyễn Tấn Tình, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My cho hay, năm 2023, có 7.525ha rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện tại các xã Trà Giáp, Trà Ka, Trà Đốc, Trà Kót và Trà Nú đã được phê duyệt, giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ và chăm sóc đến năm 2028, kinh phí thực hiện hơn 17,9 tỷ đồng. Có 21 cộng đồng, với khoảng 251 hộ đồng bào DTTS nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi hộ nhận bảo vệ, chăm sóc gần 30ha, với kinh phí 18 triệu đồng/năm, tương đương 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Tình, rừng được hộ gia đình và cộng đồng làm chủ nên được bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt. Người dân được hưởng lợi, có thêm công ăn việc làm và được trả chế độ theo quy định của Nhà nước nên bà con rất phấn khởi. Cùng với những khu rừng thiêng, các diện tích rừng nghèo kiệt, rừng nghèo lân cận không ngừng được hồi sinh, góp phần nâng độ che phủ rừng tại Bắc Trà My tăng lên đáng kể. "Hiện nay, độ che phủ rừng đã đạt tỷ lệ 60,22%, tăng 0,13% so với năm 2021”, ông Nguyễn Tấn Tình cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.