Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có hơn 600 nghìn người; sinh sống và làm việc tại 47/47 tỉnh, thành phố; là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản. Hiện có trên 50 hội đoàn người Việt tại Nhật Bản, là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Đặc điểm lớn nhất là cộng đồng trẻ năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp cho nước sở tại; luôn hướng về quê hương, đất nước.
Lực lượng trí thức phát triển nhanh chóng, có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt trong hợp tác khoa học kỹ thuật; là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân nước.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai cho biết, đa số bà con cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu và Trung Nam Nhật Bản chấp hành tốt chủ trương, chính sách của nước sở tại, đoàn kết, tương thân tương ái, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Đại diện lãnh đạo các hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, bà con luôn theo dõi tình hình đất nước; vui mừng khi Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; bày tỏ đồng tình cao về tính cấp thiết tiến hành cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nhằm hoạt động thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; góp phần đưa đất nước tiến nhanh, tiến xa hơn nữa.
Đại diện các hội đoàn và bà con mong muốn Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản…
Bày tỏ vui mừng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đa phần là người Việt trẻ gồm thực tập sinh, lưu học sinh, luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước; đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản; đặc biệt khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyến thăm lần này nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực.
Thông tin với bà con về tình hình trong nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù năm 2024 đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 7%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt. Công tác đối ngoại được tăng cường. Vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm, không có vùng cấm. Hiện nay, đất nước đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cũng là thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, đất nước đang phải đối mặt với 3 điểm nghẽn: về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Khẳng định Quốc hội đang tập trung giải quyết điểm nghẽn về thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 Nghị quyết trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách… Quốc hội cũng thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam với tổng số vốn khoảng 67 tỷ USD; tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka đạt được trong thời gian qua khi nhân lực ít nhưng phải quản lý địa bàn rộng; mong muốn cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhất trí với chủ trương và nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2019/NĐ-CP ngày 23/1/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, tuân thủ các quy định pháp luật của nước sở tại; khẳng định, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.
Theo đó, triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý liên quan theo hướng tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt gắn bó chặt chẽ hơn nữa với quê hương (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Căn cước…).
Cụ thể, Luật Căn cước (năm 2023) quy định: Công dân Việt Nam được cấp căn cước, không phân biệt là người đó sinh sống trong nước hay định cư ở nước ngoài. Trong Luật Đất đai sửa đổi (năm 2024), người Việt Nam định cư nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất, quy định chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam giống như cá nhân trong nước.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của bà con, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ giao các ủy ban chuyên môn trao đổi với các bộ, ngành liên quan nhằm xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước, là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.