Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng Nai: Mạnh tay xử lý những trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm

Lê Vũ – Bảo Trần - 17:28, 04/05/2021

Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại theo hướng tập trung ở tỉnh Đồng Nai, là một chủ trương đúng nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi, gắn với thị trường. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là trong vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra.

Khu vực chuồng trại chăn nuôi gà của Công ty Sinh học Đồng Tâm
Khu vực chuồng trại chăn nuôi gà của Công ty Sinh học Đồng Tâm

Mạnh tay xử lý 

Đồng Nai là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển dẫn đầu cả nước, với 2 loại vật nuôi chính là heo và gà. Hiện các trang trại đã được hỗ trợ khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi nên thu được hiệu quả khá cao. Thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, tổng đàn heo trên địa bàn là khoảng 2,5 triệu con, trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 50%; tổng đàn gà khoảng hơn 9 triệu con, với 80% chăn nuôi theo hình thức trang trại.

Bên cạnh sự phát triển mà ngành chăn nuôi đem lại cho nền kinh tế tỉnh Đồng Nai, thì ngành chăn nuôi cũng gây ra một số hệ lụy, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi phải có biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, thì cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã mạnh tay xử lý hàng loạt cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử, đầu tháng 3/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 330 triệu đồng, buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục trong thời hạn 90 ngày đối với trại chăn nuôi gà đẻ quy mô 120.000 con, diện tích chuồng trại 8.350m2 của Công ty TNHH MTV Sinh Học Đồng Tâm (Công ty Sinh Học Đồng Tâm).  Công ty này có trụ sở tại Km số 05, đường Hưng Bình, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, do bà Phạm Quang Chi là đại diện theo pháp luật.

Được biết, dự án của Công ty TNHH MTV Sinh Học Đồng Tâm đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường thì, phương án thu gom xử lý nước thải tại trại chăn nuôi này đã thay đổi so với phương án báo cáo đánh giá TĐMT được duyệt như: Không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Không thu gom nước thải từ hoạt động sinh hoạt mà cho tự thấm trong khuôn viên trại. Chưa có biện pháp xử lý mùi hôi theo phương án đề xuất trong báo cáo TĐMT...

Hay như ngày 30/3/2021, Trạm chăn nuôi và thú y huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cũng đã xử phạt hành chính về việc ông Trần Hữu Quyền chủ trại nuôi heo (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) vì hành vi chôn lấp heo chết trái phép.

Cụ thể, tối ngày 21/3, trại heo của ông Quyền xảy ra hỏa hoạn khiến 138 con heo bị chết và bỏng (gồm 130 heo con nặng khoảng 10 kg/con và 8 con heo nặng khoảng 50 - 60 kg/con). Sau đó, ông Quyền đã mang toàn bộ số heo này đến chôn tại một khu đất của người thân, nằm ở xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ), nhưng không thông báo lực lượng chức năng.

“Theo quy định, mức xử phạt cho hành vi trên từ 6 - 8 triệu đồng, chúng tôi chọn mức cao nhất, kịch khung”, ông Trần Đình Sĩ, Trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện Cẩm Mỹ, cho biết.

Chất thải chăn nuôi không qua xử lý tạo thành những vũng sình lầy bốc mùi hôi nồng nặc
Chất thải chăn nuôi không qua xử lý tạo thành những vũng sình lầy bốc mùi hôi nồng nặc

Nâng cao chất lượng môi trường chăn nuôi

Vài năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; chỉ cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; nâng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn; chăn nuôi công nghệ cao (an toàn sinh học, VietGAP, khép kín và chuồng lạnh).

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, huyện Xuân Lộc có gần 500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, 100% các trại cam kết vận hành hệ thống xử lý thải theo quy định, đáp ứng tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Sử dụng năng lượng khí thải làm chất đốt, phân và nước thải dùng bón cho cây trồng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.

Còn tại huyện Cẩm Mỹ, nhiều năm nay, địa phương này đã chủ động cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho người dân. Theo đó, người dân phát hiện nước thải, khí thải nhiều từ các trang trại chăn nuôi có thể gọi điện đến số đường dây nóng trong vòng 20 phút, bất kể ngày, đêm sẽ có cán bộ môi trường đến nơi ghi nhận hiện trường, lấy mẫu đi kiểm tra. 

“Chúng tôi triển khai cách làm này từ năm 2017, và khá hiệu quả, các trang trại sợ bị bắt quả tang nên không lén xả thải, cán bộ môi trường đỡ vất vả hơn”, bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Mỹ  cho biết.

Huyện Xuân Lộc tổ chức tọa đàm chăn nuôi an toàn sinh học, cam kết vận hành hệ thống xử lý thải theo quy định, đáp ứng tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn kiểu mẫu
Huyện Xuân Lộc tổ chức tọa đàm chăn nuôi an toàn sinh học, cam kết vận hành hệ thống xử lý thải theo quy định, đáp ứng tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn kiểu mẫu

Để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, tăng nguồn thu, các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay đang có xu hướng đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp sạch; hoặc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để giải quyết bài toán chất thải.

 Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đang khuyến khích các hộ chăn nuôi hợp tác với các công ty như: C.P, Japfa, Emivest để hình thành chuỗi liên kết. 

Đặc biêt, thời gian tới, mô hình quan trắc môi trường tự động ở các vùng chăn nuôi sẽ được lắp đặt thí điểm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí. Các ngành môi trường, nông nghiệp đã cam kết hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý môi trường nước, không khí ở các vùng chăn nuôi.