Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng Nai: HTX chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm làm giàu cho nông dân

Như Lan - 18:41, 10/12/2020

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), xã Hiếu Liêm vốn nổi tiếng với làng nghề nuôi hươu, nai truyền thống từ hơn 30 năm nay, với quy mô đàn hươu, nai lên đến gần 3 nghìn con. Những năm qua, việc hình thành và phát triển ổn định HTX chăn nuôi hươu, nai trên địa bàn, giúp đời sống người dân xã Hiếu Liêm nâng lên rõ rệt, góp phần vào giữ vững tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Nhiều hộ dân ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) trở thành tỷ phú nhờ nuôi hươu nai.
Nhiều hộ dân ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) trở thành tỷ phú nhờ nuôi hươu nai.

Nuôi hươu, nai thu tiền tỷ

Nhiều người dân Hà Tĩnh sinh sống ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vẫn nhắc câu chuyện cách đây 30 năm, khi lâm trường Hiếu Liêm ăn nên làm ra, Giám đốc Nguyễn Danh An, quê ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) một lần về thăm quê, kết hợp đưa công nhân vào làm việc tại lâm trường do ông phụ trách. Ông Danh đã ra điều kiện, người nào vào làm tại lâm trường Hiếu Liêm phải mang theo ít nhất một con hươu vào nuôi để nhân giống phát triển...

Ban đầu có 5 hộ đăng ký vào Hiếu Liêm lập nghiệp, nhưng chỉ mang được 4 con hươu đi cùng. Từ những con hươu có nguồn gốc Hương Sơn đầu tiên, đến năm 2013, ở xã Hiếu Liêm có 150 hộ nuôi hươu. Không chỉ nuôi hươu, người nông dân Hiếu Liêm còn nuôi thêm nai bên cạnh chuồng hươu. 

Trong số 150 hộ nuôi hươu, nuôi nai, nổi lên nhiều đại gia thu tiền tỷ từ loài thú vốn sống hoang dã trước đó, được thuần chủng trên đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) như, hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Chương.

Năm 1997, vợ chồng anh Chương nghe Giám đốc Nguyễn Danh An vào Hiếu Liêm lập nghiệp và làm công nhân trồng rừng. Ra đi, vợ chồng anh mang theo 1 cặp hươu giống, Nhờ vùng cỏ thiên nhiên ở Hiếu Liêm, sẵn kinh nghiệm chăn nuôi, chưa đầy 2 năm, gia đình anh Chương đã có nhung hươu thu hoạch. Cặp nhung hưu “khởi nghiệp” trên vùng đất phương Nam, giúp anh có cơ hội mua thêm được 2 con nai tạo con giống. Đến năm 2011, tổng đàn hươu, nai của gia đình anh Chương là 35 con. Đến nay, vợ chồng anh duy trì đàn hươu nai từ 30 - 35 con vừa cắt nhung bán sản phẩm, vừa cung cấp con giống cho bà con các tỉnh lân cận.

Hay như ông Phạm Xuân Ngọc, chủ trại hươu nai Ngọc Linh, là người theo nghề nuôi hươu nai khoảng 15 năm nay. Từ khởi điểm một vài con, hiện ông Ngọc đã phát triển trại nuôi với tổng đàn lên 40 con.

Ông Ngọc cho hay: “Nghề nuôi hươu, nai không chỉ cho lợi nhuận tốt mà còn rất ổn định. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, nhiều nơi không bán được nhung hươu, nai nhưng ở vùng này khách vẫn tìm đến tận trại đặt hàng. Vì vùng này gần các điểm du lịch nổi tiếng, như: Chiến khu Đ, thủy điện Trị An, khách du lịch thường ghé đến đây tìm mua đặc sản địa phương”.

Với giá bán nhung hươu, nai khá cao như hiện tại, những gia đình nuôi từ 40 con hươu, nai trở lên, có thu nhập thấp nhất là trên 500 triệu đồng/năm, cao hơn nữa là hàng tỷ đồng/năm.

Làng nuôi hươu, nai cũng là nơi tập trung nhiều tỷ phú nhất xã Hiếu Liêm, với gần 20 người, những tên tuổi mà ai nghe qua cũng biết đây là những “đại gia” đi lên bằng nghề nuôi hươu, nai như: Nguyễn Đình Châu, Trần Như Ý, Nguyễn Văn Sỹ,…

Hiếu Liêm nổi tiếng với làng nghề nuôi hươu, nai truyền thống.
Hiếu Liêm nổi tiếng với làng nghề nuôi hươu, nai truyền thống.

Mở rộng quy mô gắn với dịch vụ, du lịch…

Khi nghề nuôi hươu, nai phát triển tại địa phương, những hộ nuôi hươu, nai đã tham gia thành lập HTX chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển làng nghề và tiêu thụ sản phẩm truyền thống của địa phương.

Nhờ HTX mà nhiều hộ được giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật chăn nuôi...Từ sản phẩm chăn lộc hươu, nai, bà con mạnh dạn thành lập nhiều thương hiệu thực phẩm bồi bổ sức khoẻ có giá trị cao, được cơ quan quản lý cấp giấy phép, thậm chí sản xuất cả rượu từ nhung hươu, nai… 

HTX chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm đã trải qua những thời điểm đầy thách thức, khi có giai đoạn giá nhung hươu, nai giảm mạnh. Tuy nhiên đến nay,  HTX đang dần khôi phục, hoạt động có tính ổn định và đang phát huy lợi thế để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nhung hươu, nai của bà con làng nghề.

Điều mong mỏi của lãnh đạo HTX là, trong thời gian tới HTX chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm phát huy hết tiềm năng, lợi thế và nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục phát triển. Nhất là thời gian gần đây, tổng đàn hươu, nai của xã Hiếu Liêm tăng vì những trại lớn mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, phát triển lên gần 3 nghìn con. Hơn nữa, làng nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm hiện đang mở rộng quy mô theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, được xem là điểm nhấn của mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Từ sự đóng góp tích cực của làng nghề nuôi hươu nai truyền thống và các mô hình sản xuất, chăn nuôi khác, đã giúp đời sống của người dân trong xã ngày càng nâng lên rõ rệt. Từ năm 2017, xã Hiếu Liêm đã không có hộ nghèo, thu nhập bình quân người dân trên địa bàn xã đạt 55 triệu đồng/năm. Đến năm 2018, thu nhập của người dân trong xã đã đạt hơn 61 triệu đồng/người/năm (cao hơn nhiều so với bình quân chung các xã nông thôn toàn tỉnh); năm 2019 đạt 64,6 triệu đồng/người/năm. 

Dự kiến hết năm 2020, con số này sẽ còn lớn hơn những năm trước. Xã Hiếu Liêm đạt chuẩn NTM từ năm 2015 và đến năm 2019 được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao.


Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.