Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Dù đã có vắc xin nhưng vì sao bệnh bạch hầu vẫn rất nguy hiểm?

Hà Anh - 11:15, 12/07/2024

Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae (C. diphtheriae) gây ra. Khi chúng ta chưa tiêm vắc xin phòng bệnh, vi khuẩn này có thể lây từ người này sang người khác khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Và dù được tiêm vắc xin nhưng bệnh bạch hầu vẫn đặc biệt nguy hiểm trong cộng đồng.

Cán bộ y tế Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu. Ảnh: Khánh Thảo
Cán bộ y tế Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu. Ảnh: Khánh Thảo

Theo thống kê của WHO, đến nay, bệnh bạch hầu vẫn ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vaccine bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao.

Do thực hiện tốt việc tiêm Vaccine, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000.

Tuy nhiên, vì sao dù đã có vắc xin nhưng bệnh bạch hầu vẫn đặc biệt nguy hiểm trong cộng đồng?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã có vaccine an toàn và hiệu quả, nhưng gần đây, do thiếu tiêm chủng, các đợt bùng phát đã xảy ra với tần suất ngày càng tăng, thường xảy ra ở những nơi có nguồn lực hạn chế.

Đồng thời, trên thực tế, dù đã được tiêm vắc xin nhưng hiệu lực của vắc xin và sức đề kháng mỗi người sẽ giảm theo thời gian nên bệnh bạch hầu vẫn đặc biệt nguy hiểm trong cộng đồng.

Trong khi đó, thời gian ủ bệnh bạch hầu chỉ từ 2 đến 5 ngày. Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được điều trị y tế kịp thời có thể tử vong rất nhanh. Điển hình như mới đây một bệnh nhân nữ là chị P.T.C. (18 tuổi), trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã bị tử vong do bệnh bạch hầu chỉ sau ít ngày nhiễm bệnh.

Bạch hầu có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: Prime.
Bạch hầu có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: Prime.

Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

Khám thấy có giả mạc. Tuy nhiên, cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hòa tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.

Doi đó, theo khuyến cáo từ Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Đồng thời, triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị...

Tin cùng chuyên mục