Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả

PV - 18:57, 08/12/2022

Chiều 8/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher thăm chính thức Việt Nam; khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), 10 năm nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược (2013-2023).

Nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình và không ngừng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.

Vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp thời gian qua phát triển tốt đẹp và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng, Pháp luôn là đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển hàng đầu của châu Âu với Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, qua đó góp phần hơn nữa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Về thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên chú trọng triển khai đầy đủ, hiệu quả để tận dụng các cơ hội to lớn của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); đồng thời mong muốn Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông thủy sản tiếp cận thị trường Pháp. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo,... Đặc biệt, Việt Nam mong muốn Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Pháp trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Pháp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cho biết, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi, đáp ứng đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của EC về tiêu chuẩn IUU, hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp ủng hộ, thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU với mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp xem xét tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam; tạo điều kiện tổ chức các đoàn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đi giao lưu, trao đổi học tập tại Pháp. Đồng thời mong muốn Pháp tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác về văn hóa, hỗ trợ Việt Nam trong công tác trùng tu, bảo dưỡng, bảo tồn các di tích, công trình văn hóa Pháp tại Việt Nam cũng như các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm cũng như những đóng góp của cá nhân Chủ tịch và Thượng viện Pháp vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher và các Thượng nghị sĩ tiếp tục ủng hộ hợp tác giữa các địa phương thông qua các chương trình hợp tác, dự án viện trợ, đầu tư trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như: nước sạch, môi trường, trồng rừng…

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có khoảng 300.000 người, là nhân tố quan trọng, cầu nối cho giao lưu, hợp tác giữa hai nước về nhiều mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam học tập, làm ăn, sinh sống tại Pháp đóng góp cho kinh tế-xã hội và đa dạng văn hóa Pháp, cũng như sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong số ít nước nước trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đây cũng là vấn đề toàn cầu, cần sự đoàn kết, chung tay hợp tác của cộng đồng quốc tế, và mong muốn Pháp tiếp tục có những hoạt động hợp tác thiết thực và sâu rộng hơn nữa với Việt Nam trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bày tỏ vui mừng được sang thăm chính thức Việt Nam trong bối cảnh cảnh hai nước đang chuẩn bị nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, cũng như bày tỏ ủng hộ các quan điểm hợp tác được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập nêu trên, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định, Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp và Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, trong đó Pháp luôn ủng hộ quan điểm hợp tác kinh tế giữa hai nước là trung tâm, là trụ cột quan trọng.

Nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Pháp, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cảm ơn thiện chí của Chính phủ Việt Nam đã luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Pháp tăng cường tìm kiếm cơ hội, mở rộng các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tại Việt Nam vì lợi ích chung của cả hai bên.

Bên cạnh đó, cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ Pháp trong thúc đẩy hợp tác với các nước trong ASEAN, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định, Pháp sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực để hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... vào Liên minh châu Âu.

Đồng thời, Pháp mong muốn được thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam ở những lĩnh vực mà một bên có thế mạnh, một bên có nhu cầu như: Nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục-đào tạo, bảo tồn và tu bổ các công trình văn hóa kiến trúc...

Liên quan đến đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVIPA, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định sẽ có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các cơ quan chức năng của Pháp để thúc đẩy tiến trình phê chuẩn này. Đồng thời, Pháp cũng sẽ chủ động cung cấp các thông tin tới các cơ quan chức năng của EC về sự nỗ lực của Việt Nam trong xử lý vấn đề về "thẻ vàng" IUU, cũng như ủng hộ, thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đồng quan điểm với Thủ tướng về vấn đề mang tính toàn cầu là ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định, Pháp sẽ tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác, ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trên cả khía cạnh song phương và đa phương để ứng phó với vấn đề này.

Tại buổi tiếp, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; hai bên cũng chia sẻ quan điểm cần bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, việc giải quyết các tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.