Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đưa sản phẩm rèn Phúc Sen phát triển đúng với tiềm năng

PV - 16:38, 18/06/2019

Sản phẩm rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) từ lâu đã nổi tiếng cả nước, bởi đặc tính vượt trội, hấp dẫn người tiêu dùng. Mặc dù là nghề phụ, nhưng rèn lại đem lại thu nhập chính cho đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Đặc biệt, trong 2-3 năm gần đây, các xưởng rèn ngày càng biết cải tiến mẫu mã và quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức, trong đó người trẻ tuổi của địa phương còn kết nối mạng xã hội Facebook để giới thiệu các sản phẩm.

Đổi mới để nâng cao thu nhập

Đi dọc tuyến Quốc lộ 3, đoạn qua xã

Phúc Sen, hai bên đường quốc lộ có rất nhiều sạp hàng, lán tạm bày bán các sản phẩm rèn với đủ chủng loại, từ những con dao phay, dao chặt quen thuộc thường thấy trong bếp của các gia đình, còn có cả dao đi rừng với cán vỏ bằng gỗ, sơn phết bỏng bẩy rất bắt mắt.

Xưởng rèn của gia đình anh Nông Văn Quyết là một trong những xưởng rèn có tiếng ở Phúc Sen. Anh Quyết cũng đã nhiều lần đạt giải nhất trong cuộc thi tay nghề tổ chức vào dịp hội làng hằng năm. Anh Quyết cho biết, sản phẩm rèn truyền thống của người Nùng An phổ biến chỉ có dao phay chuyên thái, chặt dùng trong nhà bếp và loại dao rựa để chặt cây, thái chuối, băm rau lợn với cán ống nguyên khối.

Bà con Nùng An dùng máy mài để tạo lưỡi cho dao giảm chi phí và sức lao động. Bà con Nùng An dùng máy mài để tạo lưỡi cho dao giảm chi phí và sức lao động.

Vài năm gần đây, việc kinh doanh sản phẩm rèn ở Phúc Sen rất phát triển. Nhất là sau khi xã trở thành một điểm dừng nghỉ trên tuyến du lịch thăm quan Công viên địa chất non nước Cao Bằng, lượng khách tăng lên, lại đa dạng nên xưởng của anh, cùng các xưởng khác ở Phúc Sen cũng đã chủ động nghiên cứu phát triển mẫu mã, cải tiến sản phẩm để hợp với thị hiếu tiêu dùng.

“Người dân vùng miền núi này ưa dùng dao cán sắt, còn dưới Hà nội, Thái Nguyên thì hay dùng cán gỗ. Dao bầu, dao người Mông… khách yêu cầu làm thế nào mình nhận làm được hết”, anh Quyết cho hay.

Đáng chú ý, ở Phúc Sen hiện còn có xưởng nhận gia công những loại dao nguồn gốc nước ngoài như khukuri (khu-ku-ri)-là loại dao nông cụ truyền thống của Nepal hay là Parang (dao rựa truyền thống phổ biến ở các quốc gia vùng Nam Đảo như Malaysia, Philipin), như xưởng của anh Lương Xuân Khiêm ở thôn Pắc Rằng.

Hiện nay, quy trình rèn ở Phúc Sen vẫn duy trì như trước kia, chỉ khác là các xưởng đã đưa thêm máy móc vào quá trình sản xuất, như búa máy thủy lực, máy mài, tiện... nhờ đó giảm bớt sức lao động, tăng năng suất. Với một gia đình 2 nhân lực, nếu sản xuất thủ công, mỗi ngày chỉ hoàn thiện được từ 3-5 sản phẩm, khi có sự tham gia của máy móc, mỗi ngày có thể xuất lò từ 10-20 sản phẩm. Trung bình, mỗi xưởng rèn có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng, cao điểm, có xưởng đạt thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng…

Nghề rèn ở Phúc Sen đang góp phần giải quyết công ăn việc làm ở địa phương. Theo bà con ở đây, nghề làm rèn không chỉ tự chủ thời gian, thu nhập tương đối nên ít thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa. Đặc biệt, đầu năm 2019, nghề rèn của người Nùng An ở Phúc Sen đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên ai cũng mong phát triển thương hiệu cho sản phẩm rèn.

Cần xây dựng kế hoạch phát triển

Dù có lịch sử hàng trăm năm, nhưng đến nay, quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm rèn ở Phúc Sen vẫn tồn tại ở quy mô nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình. Ở Phúc Sen cũng từng thành lập 1-2 hợp tác xã rèn để đem hàng đi tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, theo anh Nông Văn Quyết, một trong những lý do khiến nghề rèn khó sản xuất tập thể là tiềm lực kinh tế và sự chênh lệch về tay nghề, dẫn đến sự thiếu đồng đều về chất lượng sản phẩm.

Để đảm bảo chất lượng, những cơ sở làm rèn uy tín ở Phúc Sen đều phải chọn, nhập những loại nhíp xe của Đức, hoặc Nga bởi loại thép này có độ chịu lực rất tốt, đảm bảo con dao đánh ra có độ bền cao sau khi nhiệt luyện. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, đã có đã có tình trạng, một số xưởng rèn vì chạy theo lợi nhuận, dễ sản xuất đã nhập thép kém chất lượng, tuy dễ gia công nhưng con dao rèn ra nhanh cùn, dễ mẻ, ảnh hưởng uy tín sản phẩm Phúc Sen.

Ông Lương Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho biết thêm, thậm chí cũng có tình trạng dao nhập từ nơi khác về đóng ký hiệu của Phúc Sen để bán.

Trước hiện tượng này xã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở từng hộ, cần phải có trách nhiệm gần gũi, bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Có thể thấy, sản phẩm rèn truyền thống Phúc Sen đã không còn là một sản phẩm gia dụng thông thường mà còn mang giá trị văn hóa, tinh thần, bởi sự kết tinh tri thức của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, sản phẩm rèn Phúc Sen hiện chưa có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; việc bảo chứng về uy tín từng loại, quy trình sản xuất với chất lượng chưa đồng đều. Hàng hóa bán lẻ, bán buôn cho tư thương dễ bị trà trộn hàng kém chất lượng.

Vì vậy, để sản phẩm rèn của Phúc Sen có cơ hội để phát triển, thậm chí vươn tầm thế giới, các cấp chính quyền địa phương và người dân ở Phúc Sen cần sớm xây dựng được kế hoạch phát triển làng nghề, tự mình tháo gỡ những khó khăn, từng bước phát triển nâng tầm các sản phẩm rèn Phúc Sen.

HỒNG PHÚC