Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Được giảng dạy- Khát vọng của giáo viên vùng cao

PV - 15:43, 18/06/2019

Nể phục, kính trọng và xúc động là những cảm nhận của bất cứ ai khi nghe những câu chuyện của 15 thầy, cô giáo cắm bản tại tỉnh Điện Biên chia sẻ về “công cuộc” dạy học trong buổi giao lưu “Được học- Được dạy”, do Nhà Xuất bản Phụ nữ tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách “Được học” của dịch giả Bích Lan. Khát khao được học của nhân vật Tara Westover trong cuốn sách “Được học” mãnh liệt như khát khao được dạy của các thầy, cô giáo “cắm bản” ở vùng khó khăn của Điện Biên.

Các em học sinh Trường mầm non Chiềng Xơ trong buổi học tiếng Việt Các em học sinh Trường mầm non Chiềng Xơ trong buổi học tiếng Việt

Mở đầu buổi giao lưu là câu chuyện của cô giáo Quàng Thị Hoa, người dân tộc Thái đang công tác tại Trường Mầm non Chiềng Xơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Cô Hoa cho biết, cô đã lập gia đình được 4 năm, có một bé mới gần 2 tuổi, nhưng cứ 2 tuần 1 lần, mẹ con, vợ chồng mới được gặp nhau. Tất cả mọi việc chăm con đều do ông bà và chồng cô phụ giúp. Cô Hoa kể, từ nhà cô đến trường cách khoảng 90km, nên cô “cắm bản” ngay tại chỗ để dạy học cho các con.

Khó khăn của giáo viên vùng cao không phải là thiếu thốn cơ sở vật chất, mà những bất đồng ngôn ngữ. Việc vận động bố mẹ các cháu cho các cháu tới trường còn khó khăn hơn nhiều, bởi người dân ở đây chưa đủ cơm để ăn, nói gì đến việc đưa con đến lớp”, cô Hoa tâm sự.

Hay với cô Lường Thị Ngọc, giáo viên “cắm bản” tại điểm trường bản Tà Té B, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông, mang đến câu chuyện xúc động về một em bé tên là Lầu A Hù, sinh năm 2016, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. “Năm 2018, tôi đã vận động gia đình cho cháu đi nhà trẻ được 3 ngày thì bố mẹ đến xin cho cháu nghỉ, mặc dù tôi đang nuôi cháu bằng những đồng lương ít ỏi của mình. Bố cháu bảo: Tôi phải xin cô cho cháu nghỉ thôi, để tôi đưa cháu lên nương, còn kiếm được củ khoai, củ mì cho cháu ăn. Sau đó, tôi thuyết phục bố cháu cho ở lại lớp, cuối cũng ông bố cũng đồng ý. Nhưng được vài ngày, bố cháu lại đến xin cho cháu nghỉ học. Chỉ đến khi có dự án quyên góp tiền nuôi các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố cháu mới lại mang con đến bảo tôi: “Giờ cô chăm con cho tôi, tôi vui lắm! Tôi yên tâm để đi làm nương rồi”.

Sau 2 tháng, được cô giáo Ngọc chăm sóc, bé Lầu A Hủ đã tăng cân, da dẻ hồng hào, mạnh khỏe. Cô Ngọc chia sẻ, chỉ cần thuyết phục được các con đến trường là các thầy cô đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Cũng như cô Quàng Thị Hoa và cô Lường Thị Ngọc, cô giáo mầm non Sùng Thị Tằng, 27 tuổi, dân tộc Mông hiện đang công tác tại xã Pá Mì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cũng đã có vài năm gắn bó với những lớp học vùng cao. Cô Tằng tâm sự: “Ban đầu khi mới đến công tác, tôi đã nghĩ rằng mình không thể bám trụ lại lâu dài tại ngôi trường này vì khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Tuy nhiên sau vài năm công tác, tôi ngày càng cảm thấy gắn bó và yêu nơi này. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với các em học sinh”.

Cô Tằng chia sẻ, mỗi mùa gặt hoặc mùa mưa, các em đi học rất vắng, các cô lại đến từng nhà, vận động từng con ra lớp, hay vào mỗi dịp lễ như ngày 8/3, ngày 20/11, các em ở đây cũng đem hoa đến tặng các thầy cô. “Đó chỉ là những đóa hoa dại, hoa rừng, nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi hạnh phúc, ấm lòng.

Vất vả là vậy, nhưng các thầy, cô giáo nơi vùng núi cao Điện Biên chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ lớp, bỏ trường về xuôi. Các thầy cô chính là những ngọn đèn sáng, soi dẫn các em học sinh vùng cao vượt qua sông suối, núi đèo để đến gần hơn với tri thức, với những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.