Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Gần 10.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong một ngày

PV - 10:26, 26/04/2021

Đến sáng 26/4, thế giới có tổng số 147.783.379 ca nhiễm và 3.122.538 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 727.349 và 9.924 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Ấn Độ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất trong một ngày qua do đại dịch này.

Diễn biến đại dịch COVID-19 đặc biệt nghiêm trọng tại Ấn Độ, vượt qua cả cuộc khủng hoảng về y tế sức khỏe. (Ảnh: fanceinfo)
Diễn biến đại dịch COVID-19 đặc biệt nghiêm trọng tại Ấn Độ, vượt qua cả cuộc khủng hoảng về y tế sức khỏe. (Ảnh: fanceinfo)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 26/4, đã có 125.320.873 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.339.968 ca bệnh đang điều trị, có 19.229.481 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 110.487 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm tới 354.531 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ (38.553 ca) và Mỹ (34.736 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.805 ca, sau đó là Brazil (1.316 ca) và Colombia (465 ca). Như vậy, Ấn Độ đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước, và số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cũng liên tục lên mức cao mới. Báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội đang lan truyền ngày càng nhiều những hình ảnh hãi hùng về sự hoành hành của dịch bệnh và tình trạng thất thủ của hệ thống y tế quốc gia.

Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ đã huy động cả máy bay quân sự và tàu hỏa để vận chuyển oxy từ những khu vực xa xôi của đất nước tới thủ đô New Delhi. Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo hộ y tế có sẵn cho Ấn Độ. Văn phòng Tổng thống Pháp cũng ra thông báo cho biết sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ hệ thống máy trợ thở trong những ngày tới. Trước đó, Chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy trợ thở, tới Ấn Độ.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 43.904.361 ca, trong đó có 998.380 ca tử vong và 38.371.459 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 105.467 ca nhiễm và 1.897 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.498.044; 4.762.569 và 4.404.882 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.428 ca, sau khi có thêm 11 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (119.238 ca) và Nga (108.232 ca).

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 48.973 ca nhiễm COVID-19 và 707 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 37.962.573 và 855.558 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 32.824.389 ca nhiễm và 586.152 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.326.738 và 1.178.987 ca nhiễm, cùng 214.853 và 23.965 ca tử vong vì COVID-19.

Với 37.042.853 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 26/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 495.503 ca đã tử vong do COVID-19 và 31.791.506 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 17.306.300; 4.629.969 và 2.396.204 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 195.116; 38.358 và 69.574 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 86.297 ca nhiễm và 2.565 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 24.262.895 ca và 651.342 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 32.572 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.340.787 vào thời điểm hiện tại, và 1.316 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 390.925 ca.

Tính đến sáng 26/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.544.970 ca, trong đó có 120.443 ca tử vong và 4.061.995 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.575.471 ca nhiễm và 54.148 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.101 ca nhiễm và 23 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 509.363 và 300.342 ca nhiễm bệnh cùng 8.992 và 10.304 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 62.358 ca nhiễm (tăng 80 ca) và 1.187 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 8 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.666 ca, trong đó 910 ca tử vong./.