Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Gần 55 nghìn học sinh ở Điện Biên nghỉ học tránh rét

PV - 16:10, 11/01/2021

Theo thống kê trong sáng 11-1, toàn tỉnh Điện Biên có 5/10 huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho gần 55.000 học sinh ở 130 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, THCS tạm thời nghỉ học tránh rét.

Với các cháu học sinh mầm non ở huyện Nậm Pồ, giáo viên phải đốt lửa sưởi chung cho các cháu
Với các cháu học sinh mầm non ở huyện Nậm Pồ, giáo viên phải đốt lửa sưởi chung cho các cháu

Trong đó, hai huyện là Tủa Chùa và Điện Biên Đông cho toàn bộ học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học; huyện Tuần Giáo có 13 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 5 trường THCS cho học sinh nghỉ học; huyện Mường Chà có 7 trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc hai xã Sá Tổng, Huổi Mý cho học sinh nghỉ học; huyện Nậm Pồ có ba trường mầm non và THCS cho học sinh nghỉ học. Với các huyện khác, như: Điện Biên, Mường Ảng, thị xã Mường Lay và khu vực thành phố khác, nhiều phụ huynh đã chủ động cho con em nghỉ học tránh rét.

Tại Điện Biên, sáng 11-1 trời rét đậm, rét hại kèm mưa. Nhiệt độ trung bình tại các địa bàn dưới 7 độ C, nhiều nơi núi cao, như: Xa Dung, Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông); Sín Chải, Trung Thu, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa); Pa Ham, Huổi Mý (Mường Chà) nhiệt độ giảm dưới 2 độ C.

Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về việc cho học sinh nghỉ khi rét đậm rét hại, 10 Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố đã có công văn gửi các đơn vị trường học trực thuộc yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh.

Trao đổi với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, được biết, dù Phòng đã thông báo nghỉ học, song nhiều học sinh diện bán trú vẫn đến trường. Do vậy, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, các trường vẫn tổ chức nấu ăn, chăm sóc và quản lý các em.

Thầy Nguyễn Quang Ngân, phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông kiểm tra công tác chăm sóc học sinh tại xã Háng Lìa.
Thầy Nguyễn Quang Ngân, phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông kiểm tra công tác chăm sóc học sinh tại xã Háng Lìa.

Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa, cho biết: Toàn huyện có 37 trường, với hơn 18 nghìn học sinh ba cấp: Mầm non, tiểu học, THCS. Với các trường mầm non, 100% học sinh được bố mẹ cho ở nhà; cấp tiểu học, THCS thì nhiều em học sinh bán trú vẫn đến trường. Do vậy, Phòng đã chỉ đạo các trường có học sinh bán trú phải tổ chức nấu ăn, bảo đảm các điều kiện tránh rét; dù không tổ chức học tập trên lớp, song Phòng yêu cầu các trường phải đặc biệt coi trọng quản lý, chăm sóc học sinh tại phòng ở.

Cũng là địa bàn thông báo cho 100% học sinh nghỉ học từ sáng 11-1, song theo ghi nhận của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, rất nhiều học sinh vẫn đến trường, đặc biệt là các trường có học sinh bán trú ở các xã: Xa Dung, Phì Nhừ, Háng Lìa, Tìa Dình… Ngay trong sáng 11-1, Phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông đã thành lập ba đoàn về 100% số trường (51 trường) kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống rét và công tác chăm sóc học sinh.

Nhằm bảo đảm giữ ấm cho học sinh, thầy, cô giáo ở các huyện vùng cao, như: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông phải huy động toàn bộ chăn để học sinh khoác hoặc đốt lửa sưởi theo từng nhóm.

Trước đó, theo Công văn số 2697/SGDĐT-VP ngày 15-12-2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã thông báo các trường trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống và ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại. Hiệu trưởng các trường được phép quyết định cho học sinh nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 7 độ C đối với các cấp mầm non, tiểu học và THCS; dưới 4 độ C với học sinh THPT. Trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải bố trí cho học sinh vào phòng ấm, bảo đảm phòng bán trú và quản lý đến khi phụ huynh đón về, không để học sinh đứng ở ngoài cổng trường và không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.