Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Gần 76 triệu người trên thế giới mắc COVID-19

PV - 11:09, 19/12/2020

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 19/12 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 75.920.100 ca, trong đó 1.679.511 ca tử vong và 53.201.880 ca đã được chữa khỏi.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một cửa hàng thực phẩm ở Samut Sakhon, Thái Lan sau khi chủ cửa hàng bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Bangkok Post)
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một cửa hàng thực phẩm ở Samut Sakhon, Thái Lan sau khi chủ cửa hàng bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Bangkok Post)

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 645.300 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, với 191.817 ca nhiễm mới và 2.135 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 17.825.490 ca và 320.186 ca.

Đứng thứ hai về số ca nhiễm là Ấn Độ với 10.004.825 ca, trong khi số ca tử vong đứng thứ ba với 145.171 ca. Với 7.162.978 ca nhiễm, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc, song đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 185.650 ca.

Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (20.940.611 ca). Với 20.507.373 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 19.594.632 ca và Nam Mỹ với 12.346.340 ca. Châu Phi (2.483.230 ca) và châu Đại Dương (47.193 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Âu, khi nhiều nước tại nước này, trong đó có Đức, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất trong một ngày. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất trong một ngày kể từ đầu dịch, khi vượt ngưỡng 30.000 ca nhiễm mới/ngày. Với 31.051 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm tại Đức lên 1,427 triệu ca. Cùng ngày, Đức cũng ghi nhận thêm 743 ca tử vong và đây là ngày thứ 3 liên tiếp Đức có số ca tử vong vượt 700 ca/ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo ghi nhận thêm 243 ca tử vong mới - mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca tử vong trên cả nước lên 17.364 ca. Cùng ngày, nước này có thêm 27.515 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 1.955.680 ca.

Theo Bộ Y tế Thụy Điển, nước này đã ghi nhận thêm 9.654 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, cùng ngày, Văn phòng Chính phủ Slovakia thông báo Thủ tướng nước này Igor Matovic đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Slovakia ghi nhận 146.124 ca nhiễm, trong đó 1.440 trường hợp tử vong.

Tại Pháp, Phủ Tổng thống cho biết nhiều khả năng Tổng thống Emmanuel Macron đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu hồi tuần trước. Việc ông Macron có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến làn sóng truy vết trên khắp châu Âu khi nhiều cuộc gặp giữa ông Macron và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra trong những ngày gần đây. Nhiều quan chức thế giới đã thông báo tự cách ly do có tiếp xúc với ông Macron trong thời gian gần đây.

Trước tình hình trên, Đức đã quyết định lùi một tháng thời điểm tổ chức Liên hoan phim Berlin lần thứ 71 sang tháng 3/2021 và sự kiện này sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Áo cho biết sẽ tiến hành đợt phong tỏa lần 3 kéo dài từ sau lễ Giáng sinh đến hết ngày 18/1/2021. Trong đợt phong tỏa mới, tất cả các cửa hàng - trừ cửa hàng bán đồ thiết yếu, phải đóng cửa. Lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng hiện nay sẽ chuyển thành lệnh ở nhà cả ngày, với một số ngoại lệ như đi mua sắm đồ dùng thiết yếu và đi tập thể dục. Bên cạnh đó, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sẽ phải lùi thời điểm mở cửa trở lại, thay vì ngày 24/12 theo kế hoạch ban đầu, trong khi các khách sạn và nhà hàng phải đóng cửa suốt dịp nghỉ lễ cuối năm và năm mới.

Số ca mắc COVID-19 ở châu Á đã lên tới 19.594.632 ca, trong đó 319.499 ca đã tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, khu vực này ghi nhận thêm 102.668 ca nhiễm mới. Tại châu Á, Thái Lan thông báo phát hiện 4 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, sau khi quốc gia này chỉ vừa mới bắt đầu mở cửa trở lại sau nhiều tháng kiểm soát tốt dịch bệnh và không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Trong khi đó,nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới sắp tới, Indonesia ra quyết định kể từ ngày 18/12, tất cả những người ra/vào thủ đô Jakarta của Indonesia bằng các phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh.

Bắc Mỹ ghi nhận thêm 211.388 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện đã có 469.025 ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này. Mỹ tiếp tục dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm. Tiếp theo đó là Mexico với 1.289.298 ca nhiễm, 116.487 ca tử vong.

Nam Mỹ ghi nhận 12.346.340 ca nhiễm sau khi có thêm 77.732 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó có 346.793 ca đã tử vong. Tại Nam Mỹ, Brazil và Colombia là những nước báo động khi có số ca nhiễm mới tăng cao nhất khu vực trong tuần qua. Ngày 18/12, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với hơn 185.650 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của nước này lên 7.162.978 ca, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 19.045, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 2,483,230 ca, trong đó 58.404 ca đã tử vong. Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực, với con số 901.538 ca, trong đó 24.285 ca đã tử vong.

Trong khi đó, châu Đại Dương có thêm 33 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 47.193 ca, trong đó có 1.044 ca tử vong. Australia là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực, với 28.094 ca, trong đó 908 người đã tử vong.


Tin cùng chuyên mục