Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Gạo giả thương hiệu tràn lan thị trường - Cần quan tâm việc bảo hộ nhãn hiệu

Minh Nhật - 08:01, 05/08/2024

Sau vụ việc hàng loạt cửa hàng kinh doanh gạo lớn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước bị “bêu tên” vì bán gạo giả mạo nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” - “cha đẻ” giống gạo ST25, chưa kịp lắng xuống, mới đây thương hiệu gạo này tiếp tục bị giả mạo và bày bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Hàng loạt cửa hàng kinh doanh gạo lớn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước bị “bêu tên” vì bán gạo giả mạo nhãn hiệu
Hàng loạt cửa hàng kinh doanh gạo lớn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước bị “bêu tên” vì bán gạo giả mạo nhãn hiệu

Hơn 5 tấn gạo không rõ nguồn gốc, 160 bao gạo ST25 giả mạo nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” đã được đóng thành phẩm để sẵn sàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh triệt phá một cơ sở sản xuất gạo ST25 giả mạo nhãn hàng hóa và bao bì “Gạo Ông Cua” trên địa bàn huyện Tiên Du, thu giữ hơn 5 tấn hàng hóa vi phạm.

Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo từng đạt giải ngon nhất thế giới này ngay tại thị trường Việt Nam và quyền lợi của người tiêu dùng.

Khó phát hiện thật - giả

Tại thời điểm kiểm tra có 160 bao gạo ST25 giả mạo nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” đã được đóng thành phẩm để sẵn sàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng; cùng với đó là hàng trăm vỏ bao bì nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” chưa sử dụng và hàng loạt các loại máy móc như máy hàn nhiệt, máy khâu, cân điện tử, chỉ dù trắng phục vụ cho hoạt động đóng gói gạo thành phẩm. Vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện nhờ theo dõi thông tin trên các nền tảng thương mại điện tử, cụ thể đó là tài khoản Shopee “Đại lý Gạo Hồng Anh” đăng bán sản phẩm “Gạo Ông Cua” có giá rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại được giới thiệu trên website gaoongcua.com (Website chính thức của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí).

“Gạo Ông Cua” - “cha đẻ” giống gạo ST25 bán tràn lan trên thị trường, khó phân biệt thật -giả
“Gạo Ông Cua” - “cha đẻ” giống gạo ST25 bán tràn lan trên thị trường, khó phân biệt thật -giả

Hiện nay, vấn đề mạo danh thương hiệu gạo đặc sản, gạo nổi tiếng ngày càng phức tạp, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Thời gian gần đây, gạo Séng Cù xanh của Mường Khương (Lào Cai) liên tục được các tiểu thương quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng với những lời quảng cáo rất mùi mẫn. Đặc biệt, chủ bán hàng giới thiệu sản phẩm được kiểm nghiệm an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hoa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết, đến thời điểm này, địa phương không có giống gạo Séng Cù xanh. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua bán, sử dụng loại gạo này.

Với hàng thật sẽ cho kết quả cụ thể như số series, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thông tin nhà sản xuất; còn hàng giả sẽ không có thông tin và đưa ra cảnh báo.

Giờ phát triển thương mại điện tử nên bà con có thể mua bán trên mạng qua những lời quảng cáo. Các đối tượng đã lợi dụng điều này để buôn bán các loại hàng kém chất lượng, giả mạo, nhái thương hiệu.

Chỉ đến khi có kết quả, hậu quả thực tế thì mới rõ, từ đó làm giảm đi niềm tin của người dân ưa chuộng sản phẩm Việt. Đấy là những vấn đề mà lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn triệt phá trong thời gian vừa qua.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ quan quản lý nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng thông thái
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ quan quản lý nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng thông thái

Doanh nghiệp, Hợp tác xã cần quan tâm bảo hộ nhãn hiệu

Theo ông Lê Thanh Hoa, sở dĩ việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho gạo Séng Cù Mường Khương còn gặp khó khăn do đơn vị sở hữu thương hiệu này là Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương chưa khởi kiện các địa phương, cá nhân lợi dụng gạo Séng Cù Mường Khương để bán hàng. Ông đã trao đổi vấn đề này với Hợp tác xã, nhưng họ hiện giờ “mải bán hàng” nên chưa bận tâm lắm tới vấn đề này…! "Thời gian tới, với chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ và hướng dẫn Hợp tác xã trong việc bảo vệ thương hiệu", ông Hoa nói.

Ông Phạm Khắc Huy - Phó chánh Văn phòng, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, người tiêu dùng hiện chỉ có thể phân biệt gạo là hàng thật - hàng giả thông qua App nhận diện, còn nhận diện trực quan bằng bao bì là rất khó, chất lượng hàng hoá thì cần đơn vị có chuyên môn để kiểm định.

Là một trong những doanh nghiệp đang kinh doanh gạo đặc sản, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ: để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp phải là người chủ động đi đầu, đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, lưu tâm tới việc xây dựng chuỗi cửa hàng, hệ thống phân phối tham gia vào khâu dịch vụ bán hàng.

“Doanh nghiệp có trách nhiệm nâng cao nhận thức của người bán hàng với cộng đồng về vấn đề hàng thật - hàng giả, ý thức bảo hộ nhãn hiệu. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng nhái thương hiệu, vì bản chất những người bán cũng là đối tượng có lợi ích nếu buôn bán hàng nhái thương hiệu. Đây là biện pháp cần thiết bên cạnh mệnh lệnh, xử phạt của cơ quan chức năng”, ông Lam nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ quan quản lý nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng thông thái.