Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Gặp một số đại biểu người DTTS lần đầu tham gia Quốc hội

Minh Thu - 20:54, 20/07/2021

Sáng 20/7/2021, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Bên lề kỳ họp, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn nhanh một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) người DTTS lần đầu tham gia Quốc hội.


Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/7/2021
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/7/2021

Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh): Nỗ lực để làm tròn trách nhiệm người đại biểu đại diện cho cử tri, nhất là cử tri vùng đồng bào DTTS và miền núi.

ĐBQH Bế Trung Anh
ĐBQH Bế Trung Anh

Trong nhiệm kỳ này, tôi đặt sự tin tưởng, kỳ vọng vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG) sau khi được triển khai thực hiện, sẽ góp phần quan trọng, giải quyết được khó khăn, những vấn đề nổi cộm tồn tại trong vùng đồng bào DTTS, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao các mặt đời sống xã hội của đồng bào DTTS

Trên cương vị là ĐBQH, đã có nhiều năm công tác tại Ủy ban Dân tộc, tôi sẽ cố gắng, nỗ lực đóng góp ý kiến chất lượng trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là trách nhiệm giám sát các chính sách dân tộc tại địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi thật hiệu quả.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ): Luôn ý thức trọng trách lớn lao của mình khi là ĐBQH

ĐBQH Hà Ánh Phượng
ĐBQH Hà Ánh Phượng

Tôi nhận thấy, Quốc hội Khóa XV có nhiều điều đặc biệt, như tỷ lệ đại biểu nữ tăng hơn trước, chất lượng học vấn của đại biểu cao hơn trước, với tỷ lệ đại học và sau đại học tăng lên; tỷ lệ đại biểu là người DTTS cũng tăng cao hơn những khóa trước. 

Tôi đánh giá cao phẩm chất và năng lực của đại biểu từ những kết quả cụ thể. Là đại biểu nữ, là cô giáo, là người DTTS, tôi hiểu và nhận thức được trọng trách lớn lao của mình khi là ĐBQH. 

Tôi mong muốn, có thể đem những tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của đồng bào mình, của cử tri đến với nghị trường Quốc hội để từng bước xây dựng cuộc sống đồng bào ngày càng tốt đẹp hơn.

Đại biểu Rơ Châm H’phik (Gia Lai): Số lượng đại biểu là người DTTS tăng là một kết quả đáng mừng

ĐBQH Rơ Châm H’phik
ĐBQH Rơ Châm H’phik

Nhiệm kỳ này, tôi nhận thấy, số lượng đại biểu chuyên trách là người DTTS nhiều hơn so với các nhiệm kỳ trước. Điều đó có nghĩa là, sẽ có nhiều ý kiến, góp thêm nhiều tiếng nói, tư duy mới trong việc xây dựng và phản biện chính sách; đặc biệt, góp phần thực hiện tốt các chính sách liên quan đến giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

Đại biểu Nàng Xôvi (Kon Tum): Mong muốn công cuộc giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm nhiều hơn

ĐBQH Nàng Xôvi
ĐBQH Nàng Xôvi

Được bầu làm ĐBQH, tôi vô cùng vui mừng và vinh dự, song tôi thực sự hồi hộp và lo lắng trước những trách nhiệm lớn lao mà mình gánh vác. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để tiếp tục tìm hiểu, tự học hỏi nâng cao năng lực của người đại biểu nhân dân; học hỏi từ các vị ĐBQH đi trước, để trau dồi cho mình kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh trong hoạt động Quốc hội, nhất là hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc. 

Hành trang của tôi mang đến nghị trường Quốc hội là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, của cá nhân, mong muốn công cuộc giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa.