Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Gặp nhân chứng về địa ngục trần gian

PV - 18:00, 20/03/2018

Cựu tù Vũ Minh Tằng trú tại thôn Tiên, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định là một trong số những nạn nhân thảm khốc nhất bởi sự tra tấn tại nhà tù Phú Quốc.

Khắp người ông là những vết thương, hốc mắt vẫn găm mảnh đạn R15, hộp sọ vỡ xương chũm, thủng màng nhĩ, hai đầu gối lạo xạo xương vỡ, hai rẻ xương sườn bị gãy, 4 đốt xương sống bị chẻ, nứt…

Ký ức hào hùng

Ông Tằng năm nay 77 tuổi, còn vợ là bà Nguyệt cũng đã sang tuổi 79. Ông Tằng và bà Nguyệt lấy nhau đúng lúc chiến tranh ác liệt nhất. Bà đang có bầu đứa con thứ hai (năm 1962) thì ông cùng 8 thanh niên trong thôn xung phong vào Nam đánh Mỹ.

Bà Nguyệt vẫn luôn chăm chút cho chồng trong từng bữa cơm, giấc ngủ. Bà Nguyệt vẫn luôn chăm chút cho chồng trong từng bữa cơm, giấc ngủ.

 

Ông kể: “Đang trên đường hành quân vào Nam, đúng đến hang Đá Chẹt trong Quảng Ngãi, chúng tôi bị phục kích. Tôi bị thương ở hộp sọ, phải cố thủ trong hang đá, quân địch không làm gì được liên tục thả lựu đạn cay vào hang và bị bắt. Các anh em khi tỉnh dậy thì đang nằm trong bệnh viện Quy Nhơn. Lấy lời khai xong chúng nó đưa hết vào nhà tù Phú Quốc”.

Năm 1968, ông Tằng bắt đầu sống trong cảnh “địa ngục trần gian” với những trò tra tấn tàn khốc, man rợ nhất của nhà tù Phú Quốc. Sau khoảng 8 năm ở tù, ông được trao trả theo Hiệp định Paris, khi ấy ông chỉ còn 23kg. Đặc biệt hơn trong cạp quần ông có giắt 8 chiếc răng của chính mình. Hiện nay 8 chiếc răng đó đang nằm trong Bảo tàng của những người tù Phú Quốc, tại huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội”.

Nơi địa ngục trần gian

Năm 1971, ông Tằng là Bí thư Chi bộ của Phân khu A2, có 1.800 tù nhân ở nhà tù Phú Quốc. Ông Tằng có nhiệm vụ tổ chức cho anh em vượt ngục. Các anh em khi ấy phải đào hầm, khoét ngạch mất ngót 1 năm, đất đá được nghiền vụn dúi vào thùng phuy đựng xỉ than của trại, sau đó tống ra bãi rác. Khi đường hầm đã hoàn thành, gần 100 chiến sĩ Cộng sản đã từ phòng giam ra ngoài, vượt qua cánh rừng cao su, sau đó được dân chài giúp đỡ, cùng vượt biển vào đất liền.

Ông Tằng bị bọn gián điệp cài cắm trong hàng ngũ tù nhân tố cáo. Chúng bắt ông há miệng, dùng tuýp sắt ghè thẳng vào miệng. Khi chiếc răng gãy, máu chảy tràn ra miệng, chúng bắt ông nuốt luôn những chiếc răng vừa bẻ. Cứ như thế lần lượt 9 cái răng của ông Tằng chui vào bụng trong một đêm dài tra tấn.

Đánh chán chúng nó lại dùng đinh mười phân đóng vào các ống chân, đầu gối của tôi. Có những lúc chúng tôi phải đi tiểu ra tay, sau đó chia nhau mỗi người uống một hớp để sống…”- Ông Tằng nhớ lại.

Hạnh phúc ngày đoàn tụ

Mười năm không một tin tức gì về người chồng đi chiến đấu nơi chiến trường xa, người vợ ở nhà sống trong khắc khoải chờ đợi, ngóng trông.

Năm 1973, sau đúng 10 năm chờ đợi: “Ngày hôm đó, tôi vừa từ đội về trụ sở hợp tác xã, nghe tiếng ông Chủ nhiệm gọi giật vào: “Này nhà chị Tằng có thư”. Tôi trả lời: “Em thì làm gì có thư từ gì, bác thử mở ra đọc em nghe nào”. Ông Chủ nhiệm cất cao giọng đọc: “Thưa bà và thầy mẹ…Tằng con còn sống”. Như không tin vào tai mình tôi cầm bức thư lướt qua đúng nét chữ của ông nhà tôi đây rồi, tôi cầm bức thư và cứ thế chạy thục mạng từ trụ sở hợp tác xã về nhà. Vừa chạy, miệng vừa hô to, thầy mẹ ơi thư của anh Tằng gửi về, anh Tằng còn sống, các con ơi bố các con còn sống”. Mọi người trong gia đình mừng vui khôn xiết. Hàng xóm nghe tin đến chia vui với gia đình chật cả trong nhà phải đứng cả ngoài sân.

Trở về, ông Tằng tham gia công tác được vài năm rồi nghỉ vì lý do sức khỏe. Nhưng những năm bị địch bắt tù đầy và tra tấn luôn đeo đẳng ông. Tính khí cũng trở nên thất thường. “Hồi còn ở nhà ông ấy là người hiền lành, chẳng to tiếng với ai bao giờ, nhưng do di chứng của những đòn tra tấn nên đã thay đổi hoàn toàn, thường hay nóng giận vô cớ, nhất là những lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát, tôi cứ phải dặn dò các con, bố con vì nước mà thành ra như vậy nên các con phải thấy đó là tự hào, là niềm hạnh phúc vì có bao đồng đội của bố đã mãi không về”.

Có lẽ những nhọc nhằn trong cuộc đời bà đã được bù đắp sau bao năm khó khăn, vất vả. Hai ông bà sống vui cảnh điền viên năm nay cũng đã gần 80 tuổi, các con khôn lớn, trưởng thành. Đó là niềm hạnh phúc viên mãn nhất của người lính già và người vợ tần tảo một đời vì chồng, vì con. Cuối đời, ông bà còn quyết định dùng toàn bộ số tiền hàng trăm triệu đồng để góp phần vào việc xây dựng trường mầm non ở địa phương cho dù hoàn cảnh các con và cuộc sống của ông bà cũng còn nhiều khó khăn.

DOÃN KIÊN