Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Gặp ông chủ Homestay “Khám phá Y Tý”

Thanh Thuận - 06:59, 10/06/2024

Ở vùng đất Y Tý, huyện Bát Xát ( Lào Cai) có chàng trai dân tộc Hà Nhì - Phu Suy Thó đã mạnh dạn “bỏ phố về rừng” để phát triển du lịch cộng đồng (Homestay) từ ngôi nhà truyền thống của gia đình mình. Thó bảo, cách làm này sẽ bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì, vừa tạo ra nét riêng, thu hút khách du lịch.

Toàn cảnh homestay “Khám phá Y Tý” của Phu Suy Thó tại Y Tý.
Toàn cảnh homestay “Khám phá Y Tý” của Phu Suy Thó tại Y Tý

Làm Homestay từ chính ngôi nhà của mình

Đến thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát, được giới thiệu đến Homestay “Khám phá Y Tý” nhiều du khách cảm thấy bất ngờ trước những căn bungalow được xây dựng theo kiến trúc “nhà nấm” bằng đất độc đáo của người Hà Nhì giữa mênh mông núi rừng. Chủ nhân của khu Homestay này là Phu Suy Thó, chàng thanh niên dân tộc Hà Nhì sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này.

Phu Suy Thó tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau một vài năm làm việc tại Hà Nội, Thó đã quyết định trở về quê thực hiện ước mơ làm du lịch của mình. Thời điểm ấy, một số gia đình Hà Nhì đã phá bỏ nếp nhà đất truyền thống để xây nhà cao tầng kiên cố, trong khi đó, Thó lại giữ gìn ngôi nhà truyền thống của gia đình.

 Anh còn quyết định làm Homestay từ chính ngôi nhà đất cũ kĩ đó. Bởi theo Thó: “Nhà trình tường là kiến trúc truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Khi quyết định làm Homestay bằng nhà đất, tôi muốn giữ gìn, quảng bá, phát triển du lịch gắn với nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến du khách bốn phương”.

Du khách lưu lại bức ảnh cùng vợ chồng Phu Suy Thó trước khi rời Homestay.
Du khách lưu lại bức ảnh cùng vợ chồng Phu Suy Thó trước khi rời Homestay

Homestay “Khám phá Y Tý” của Thó bắt đầu hoạt động từ năm 2018 trong ngôi nhà đất rộng, vốn là nơi sinh sống của bố mẹ anh. Thông thường, nhà trình tường của người Hà Nhì có tường dày, lợp 4 mái, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, chống được mưa, gió. Tuy nhiên, nhà trình tường truyền thống có điểm hạn chế là diện tích chật hẹp, ít cửa sổ. Người Hà Nhì còn thường nấu ăn trong nhà nên nhà ám khói bếp, thiếu ánh sáng, ít khí trời… 

"Khi làm du lịch, mình cải tiến ngôi nhà đất có cửa sổ bé, không thoáng của gia đình bằng cách làm thêm cửa sổ to hơn, làm nhà vệ sinh khép kín, đầy đủ tiện nghi hơn", Thó chia sẻ.

Phu Suy Thó sưu tầm đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Hà Nhì trang trí tại Homestay tạo nét riêng
Phu Suy Thó sưu tầm đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Hà Nhì trang trí tại Homestay tạo nét riêng

Thời gian đầu, do ít kinh nghiệm làm du lịch nên Homestay của Thó chưa có lượng khách ổn định, nhà Thó chỉ thỉnh thoảng đón hai, ba đoàn khách đến nghỉ. Do không có nhiều vốn để đầu tư bài bản, nên cứ có chút tiền, là Thó lại đầu tư vào việc tu sửa Homestay, mỗi lúc làm một ít. Vừa đón khách vừa tân trang dần dần.

 Thó trang trí bên trong Homestay những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nhì, tạo nên những góc như bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của dân tộc Hà Nhì. Qua thời gian, lượng khách đến Homestay nhà Thó cũng dần đông và ổn định hơn, đem lại thu nhập tốt cho gia chủ.

Ứng dụng công nghệ làm du lịch 

Từ năm 2021, khách đến Y Tý rất đông, nhu cầu của khách du lịch ngày càng nhiều hơn. Từ thực tế đó, Phu Suy Thó đã mở rộng quy mô Homestay của mình để có chỗ lưu trú cho nhiều khách hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách. Thu nhập của gia đình anh cũng dần tăng lên. 

Hiện khu Homestay "Khám phá Y Tý" có 1 nhà đất lớn phục vụ những đoàn khách đông và 8 bungalow nhỏ, cũng bằng đất theo kiến trúc nhà truyền thống của người Hà Nhì cho khách lẻ hoặc từ 2- 4 khách lưu trú. 

Tại những bungalow mới xây này, Thó cho làm cửa sổ rộng, lắp kính trắng để khách ở trong phòng có thể ngắm phong cảnh bên ngoài. Xung quanh bungalow, Thó trồng nhiều cây xanh và hoa, tạo không gian xanh mát mẻ. Đến chiếc cổng Homestay cũng được Thó dựng bằng đất, lạ và đẹp mắt để du khách check-in.

Phu Suy Thó trước căn bungalow bằng đất của mình.
Phu Suy Thó trước căn bungalow bằng đất của mình

Không chỉ làm nhà cho khách lưu trú, Thó còn phát triển các dịch vụ đi kèm như: Ăn uống với những món ăn đặc trưng núi rừng, tổ chức cho du khách tìm hiểu về cảnh quan, trải nghiệm văn hóa bản địa của người Hà Nhì, bố trí hát múa các làn điệu dân ca truyền thống...

Bên cạnh đó, Thó còn ứng dụng công nghệ vào làm du lịch. Thó thường xuyên dùng điện thoại thông minh chụp lại những hình ảnh phong cảnh, sinh hoạt, ăn uống… tại Homestay nhà mình lên trang Facebook cá nhân; cập nhật mọi thông tin, hình ảnh, dịch vụ tại Homestay của mình trên fanpage "Khám phá Y Tý" do anh lập ra. 

“Nhiều du khách biết đến Homestay nhà mình qua Fanpage. Khách du lịch trong nước và quốc tế đặt phòng Homestay nhà mình đều thực hiện qua ứng dụng Facebook, Zalo một cách thuận lợi, nhanh gọn. Công nghệ giúp ích rất nhiều ”, Phu Suy Thó cho biết.

Phu Suy Thó tâm sự, làm Homestay, điều Thó thích nhất là được nói chuyện với khách, được quảng bá văn hóa dân tộc Hà Nhì để mọi người biết đến nhiều hơn. Tuy vậy, để có được cơ ngơi Homestay với hệ thống bungalow mang bản sắc dân tộc Hà Nhì này, Thó đã phải tập trung toàn bộ tài sản của cá nhân và công sức của toàn gia đình, tận dụng tối đa các nguồn vay từ bạn bè và ngân hàng.

Trò chuyện với Thó, tôi còn biết việc xây bungalow bằng đất theo kiến trúc truyền thống người Hà Nhì cũng không hề đơn giản, mà gặp phải không ít khó khăn, trải qua nhiều công đoạn rất mất thời gian và tốn nhiều nhân lực. Từ lúc xây đến lúc hoàn thiện mất vài tháng, sau đó phải chờ khoảng 6 tháng cho tường đất khô mới có thể ở được. 

Mỗi căn bungalow bằng đất khi hoàn thiện có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Trong khi xây nhà bằng gạch thì chi phí rẻ hơn và chỉ mất 2 tháng có thể hoàn thiện để đón khách. Tuy vậy, Thó vẫn kiên trì với quyết định giữ bản sắc truyền thống của mình.

Du khách xem các cô gái Hà Nhì biểu diễn văn nghệ tại Homestay “Khám phá Y Tý” của Thó
Du khách xem các cô gái Hà Nhì biểu diễn văn nghệ tại Homestay “Khám phá Y Tý” của Thó

Khách nghỉ ở Homestay nhà Thó, ngoài được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng còn được xem các cô gái Hà Nhì biểu diễn những điệu múa mang bản sắc dân tộc mình. Ngoài ra, Thó còn trở thành hướng dẫn viên cho du khách đi leo núi, khám phá các điểm chụp ảnh đẹp ở Y Tý, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân tộc Hà Nhì.

Chia sẻ quyết định bỏ phố về quê làm du lịch của mình,Thó vui vẻ nói: “Vì mình yêu quê hương, yêu bản sắc văn hóa của dân tộc. Kinh doanh du lịch cũng là môi trường để mỗi thanh niên tự lực phấn đấu, phát triển bản thân hơn. Khi làm việc này, tôi cảm thấy vui khi mỗi ngày đều được làm việc, và công việc này lại góp phần xây dựng bản làng Y Tý ngày càng đẹp hơn trong cộng đồng, du khách”.