Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Ghi nhận từ cuộc vận động “5 không 3 sạch” ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 18:10, 01/12/2022

Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, với vai trò nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp ở các địa phương miền núi Thanh Hóa, đã mang đến một môi trường sống cho phụ nữ vùng DTTS và miền núi, mà trong đó là sự cải thiện rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân.

Hoạt động thăm hỏi, động viên chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội LHPN xã Tân Thành
Hoạt động thăm hỏi, động viên chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội LHPN xã Tân Thành

Nâng cao chất lượng sống của người dân

Xác định Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, những năm qua, Hội LHPN xã Tân Thành, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã triển khai sâu rộng cuộc vận động tới 100% chi hội. Với 8 tiêu chí cụ thể: “5 không” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học) và “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), được Hội LHPN xã Tân Thành cụ thể hóa bằng những hoạt động, việc làm cụ thể, hiệu quả.

Theo chân chị Lò Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành,  để ghi nhận thực tế từ việc thực hiện cuộc vận động, là các chi hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động và huy động được hội viên phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi lao động, quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom rác, đổ đúng nơi quy định, tạo cảnh quan môi trường đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, không rác thải. 

Hội cũng đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo điều kiện tăng nguồn kinh phí tín chấp cho vay ưu đãi các nguồn vốn từ các ngân hàng để hội viên có thêm kinh phí đầu tư, xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và năng lực lao động sản xuất của gia đình. Theo đó, hiện đã có 289 hội viên phụ nữ tham gia vay vốn phát triển kinh tế.

Điển hình như chị Cầm Thị Mai, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Thành Lợp, xã Tân Thành là một trong những hình mẫu cho mọi người noi theo. Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thông qua Hội phụ nữ, vợ chồng chị đã được vay vốn 70 triệu đồng; cùng với số tiền gia đình dành dụm được, anh chị đã đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi lợn và nuôi trâu, trồng cỏ, trồng cây ăn quả như mít Thái, bưởi Diễn…

Sau hơn 6 tháng phát triển, mô hình đã thu về 100 - 160 triệu đồng, trừ các chi phí, gia đình chị hưởng lãi 50 - 70 triệu đồng. Hiện nay, chị còn kinh doanh hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn, mua thêm máy xay xát gạo, chế biến đậu phụ. Nhờ đa dạng sinh kế, gia đình chị đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.

"Cuộc vận động hướng vào từng hộ gia đình nên các hội viên, phụ nữ đã thay đổi tư duy, ý thức được trách nhiệm của bản thân gắn với việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới”, chị Thanh chia sẻ.

Hội LHPN các xã miền núi triển khai chương trình "biến rác thải thành tiền" tại các thôn, bản
Hội LHPN các xã miền núi triển khai chương trình "biến rác thải thành tiền" tại các thôn, bản

Khẳng định vai trò của phụ nữ

Cùng với “Cuộc vận động 5 không, 3 sạch”, ở huyện Như Xuân, Hội LHPN xã Bãi Trành, đã cụ thể hóa các hoạt động, việc làm gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM,  góp phần để xã Bãi Trành hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ví dụ như, với nội dung "5 không", Hội xây dựng các hoạt động giúp đỡ “có địa chỉ” như: Tổ hùn vốn, hỗ trợ ngày công lao động, cây con giống; phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ do phụ nữ nghèo làm chủ, vay vốn để phát triển kinh tế với tổng số vốn là 960 triệu đồng. Hội LHPN huyện cũng đã hỗ trợ xã 20 triệu đồng làm nhà cho 1 hội viên phụ nữ nghèo.

Với tiêu chí không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, không sinh con thứ ba trở lên, Hội đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến cho 1.251 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên về sức khỏe sinh sản, kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai. 

Phối hợp ngành giáo dục vận động các gia đình đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi và tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Phối hợp tổ chức cho 874 lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em được khám sức khỏe, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 2,1%, tăng tỷ lệ trẻ 5 tuổi được huy động đến trường đạt 100%, hàng năm 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký không sinh con thứ 3.

Với nội dung "3 sạch", Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại gia đình triển khai đến 100% chi hội; vận động ký cam kết vệ sinh môi trường, thu gom phân loại xử lý rác thải. 13/13 chi Hội thực hiện mô hình “Ngõ sạch, bờ rào đẹp”. Tổ chức 195 buổi ra quân vệ sinh thu gom rác thải, trồng cây xanh… có 136.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia; nạo vét, khơi thông kênh mương, cống rãnh…

Bà Vi Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân khẳng định, cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên phụ nữ nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm, quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội. Từ Cuộc vận động này, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội cũng đang dần được khẳng định, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tin cùng chuyên mục
Nỗi lo sạt lở của người dân vùng DTTS và miền núi Quảng Nam đã được vơi dần...

Nỗi lo sạt lở của người dân vùng DTTS và miền núi Quảng Nam đã được vơi dần...

Từ nguồn vốn hỗ trợ quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, các hộ dân khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam được bố trí chỗ ở mới theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch. Được chuyển về những khu tái định cư mới, có đầy đủ hạ tầng, điện, nước, người dân vô cùng phấn khởi. Từ đây người dân được an cư, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.