Theo chân cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Kon Rẫy (Kon Tum), chúng tôi đến thăm mô hình “vườn - ao - chuồng” của bà Y Đeo, thôn 8, xã Đăk Ruồng. Tâm sự với chúng tôi, bà Y Đeo kể: “Được cán bộ các cấp tuyên truyền về Cuộc vận động, bản thân mình già rồi nhưng nghe rất ưng ý. Thế là mình bàn với các thành viên trong gia đình quyết tâm thực hiện vì chỉ có thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới thoát nghèo bền vững được. Đến nay, mình đã chỉnh trang vườn, ao, chuồng; làm được 130m hàng rào, trồng được 75 cây chuối, 150m2 rau các loại, đào 15 hố để trồng bầu bí, trồng 25 cây mít Thái, 30 cây sầu riềng và xây nhà vệ sinh kiên cố”
Bà Đinh Thị Mỹ Hảo - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 7.314 hộ với 29.795 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 67,89%. Theo thống kê đầu năm 2021, toàn huyện có 1.452 hộ DTTS nghèo, chiếm 19,85% và 993 hộ DTTS cận nghèo, chiếm 13,58% so với tổng số hộ dân toàn huyện.
Thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện bằng các hình thức tuyên truyền trực tuyến, hội nghị, tuyên truyền miệng; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp tuyên truyền, vận động thông qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống thông tin tuyên truyền lưu động của cấp huyện và cấp xã, qua các pa nô, áp phích, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và các chỉ tiêu cụ thể của Cuộc vận động.
Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Rẫy đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện thực hiện 41 tin bài, 12 phóng sự, 21 buổi tuyên truyền các nội dung về Cuộc vận động; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tổ chức 7 hội nghị điểm tuyên truyền về Cuộc vận động tại 7 khu dân cư của 7 xã, thị trấn. Sau đó, các xã, thị trấn chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền về Cuộc vận động tại 49/49 khu dân cư các thôn, tổ dân phố, thu hút hơn 1.500 lượt người tham dự. Nhìn chung, các hội nghị đã mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa và đồng thuận cao trong xã hội.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện chỉ đạo các ban, ngành liên quan và các địa phương xây dựng mô hình điểm để người dân học tập, làm theo. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện rà soát, xây dựng mô hình điểm về “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn tạp tại thôn Kon Đó, xã Đăk Kôi”. Thông qua việc thực hiện mô hình, người dân trong thôn tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương theo định kỳ hàng tháng; hỗ trợ, hướng dẫn 3 hộ gia đình cải tạo vườn tạp và nhân rộng ra các hộ khác.
Kết quả, từ tháng 7/2021 đến nay, cảnh quan, môi trường của thôn đã có nhiều thay đổi; ý thức người dân được nâng cao, thôn làng sáng, xanh, sạch đẹp và thân thiện hơn; các hộ làm quen với việc tạo dựng vườn nhà gọn gàng, bố trí khoa học, sử dụng diện tích đất vườn hợp lý; mang lại hiệu quả kinh tế và cải thiện bữa ăn trong gia đình.
Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn của huyện chủ động phối hợp với chính quyền, ban, ngành liên quan cùng cấp kịp thời triển khai xây dựng các mô hình điểm cấp xã, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế tại địa phương.
Trong đó, đã triển khai các mô hình hiệu quả cao như: “ Trồng và chăm sóc cây chuối” tại thôn 5 và “Tổ tự quản về an ninh trật tự” tại thôn 7 (thị trấn Đăk Rve), “Vệ sinh môi trường” tại thôn 2 (xã Đăk Kôi), “Chổi đót” tại thôn 7 (xã Đăk Tơ Lung), “Vệ sinh môi trường và vườn, ao, chuồng” tại thôn 8 (xã Đăk Ruồng), “Vệ sinh môi trường” tại thôn 2 (xã Đăk Pne), “Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường” tại thôn 5 (xã Tân Lập), “Chỉnh trang vườn hộ, cải tạo vườn tạp; trồng cây ăn trái; chăn nuôi heo, gà, vịt” tại thôn 3 (xã Đăk Tờ Re)…
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện Kon Rẫy đã có 100% số hộ DTTS được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động; 1.978 hộ DTTS, chiếm 41,15% tổng số hộ DTTS, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; 1.028 hộ DTTS, chiếm 21,39% số hộ DTTS tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Đặc biệt, có từ 15% trở lên số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Đinh Thị Mỹ Hảo nhận xét: Cuộc vận động đã được triển khai kịp thời, bảo đảm yêu cầu. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã nhận thức cơ bản về ý nghĩa, mục đích, nội dung của Cuộc vận động. Nhờ đó, Cuộc vận động từng bước đi vào cuộc sống người dân, gắn với các phong trào, cuộc vận động khác, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã và đang góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương./.