Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gia Lai: 57 năm tù cho 2 đối tượng mua bán người

Ngọc Thu - 16:10, 14/07/2023

Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt 2 bị cáo về tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi” với tổng hình phạt 57 năm tù.

Bị cáo Trần Quang Quyết và Phan Ngọc Đức tại Tòa
Bị cáo Trần Quang Quyết (bên phải) và Phan Ngọc Đức tại Tòa

Cụ thể, chiều 13/7, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 bị cáo: Trần Quang Quyết (22 tuổi, ngụ huyện Ia H’Drai, Kon Tum) 15 năm tù về tội mua bán người, 14 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi, tổng hình phạt 29 năm tù; Phan Ngọc Đức (33 tuổi, ngụ huyện Quỳ Châu, Nghệ An) 15 năm tù về tội mua bán người, 13 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi, tổng hình phạt 28 năm tù.

Theo cáo trạng, ngày 20/11/2021, Trần Quang Quyết bị lừa bán vào Công ty Game 8KBET ở Campuchia. Sau đó, công ty này yêu cầu Quyết gửi tiền chuộc. Khi được chuộc ra, Quyết quay về Việt Nam. Đến ngày 14/4/2022, Quyết tiếp tục qua Campuchia làm việc cho 1 công ty khác. Làm được một thời gian, Quyết tiếp tục bị công ty đuổi việc và bị Phương (người quản lý công ty) yêu cầu Quyết gọi điện về gia đình gửi tiền chuộc 90 triệu đồng. Do gia đình chỉ gửi được 70 triệu đồng, nên Phương nói Quyết nếu tuyển được người vào làm thì công ty sẽ trừ hết số tiền nợ còn lại.

Từ tháng 6/2022, Quyết sử dụng tài khoản Facebook để kết nối, đưa thông tin gian dối về tuyển nhân viên làm việc cho một công ty vi tính tại tỉnh Tây Ninh, mức lương 18 - 20 triệu đồng/tháng. Bước đầu, Quyết lôi kéo được Puih Đại (25 tuổi, ngụ Kloong, xã Ia O) với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”.

Từ Puih Đại, Quyết lừa thêm 6 người khác cùng ở làng Kloong, gồm: Puih Môi (19 tuổi), Ksor Jối (19 tuổi), Puih Chiêu (20 tuổi), Ksor Gum (24 tuổi), Puih Thái (29 tuổi) và Puih Phú (17 tuổi, thời điểm bị lừa bán chưa đủ 16 tuổi).

Đối tượng Trần Quang Quyết khai nhận hành vi phạm tội tại Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai)
Đối tượng Trần Quang Quyết tại Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai)

Tối 19/6/2022, Quyết thuê xe khách chở nhóm của Đại vào TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Quyết bàn giao lại cho Phan Ngọc Đức để lấy 130 triệu đồng. Trước đó, khoảng tháng 10/2021, Phan Ngọc Đức qua Campuchia làm việc cho sòng bài. Tại đây, Đức xảy ra mâu thuẫn đánh nhau nên người quản lý yêu cầu gọi điện thoại cho gia đình gửi tiền chuộc. Sau khi được chuộc, Đức nghỉ ở chỗ làm nhưng vẫn tiếp tục ở lại Campuchia.

Sau khi nhận các nạn nhân từ Quyết, Đức móc nối với đối tượng khác đưa các nạn nhân vượt biên sang Campuchia để bán và thu lợi 299 triệu đồng.

Cuối tháng 6/2022, Puih Đại và Puih Thái thông qua mạng xã hội liên lạc về cho gia đình để thông báo cả nhóm đã bị lừa, đánh đập, ngược đãi. Khi các nạn nhân muốn trở về nhà thì bị các đối tượng yêu cầu gia đình phải chuyển khoản 150 triệu đồng/người để “bồi thường hợp đồng lao động”. Từ tháng 7/2022, gia đình các nạn nhân đã lần lượt chuyển tiền từ 65 - 90 triệu đồng/người để các nạn nhân được thả về nước. Đồng thời, gia đình nạn nhân đã trình báo cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

Sau đó, Đức và Quyết đã lần lượt đến các cơ quan chức năng ở địa phương đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.