Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, tỉnh Gia Lai đã xảy ra 55 vụ đuối nước khiến 69 trẻ tử vong (tăng 15% so với năm trước). Trong số này có đến 45 trường hợp là trẻ em DTTS. Các địa phương có số trẻ em tử vong do đuối nước đáng lo ngại như: Kbang (7 vụ, 9 em tử vong), Chư Păh (7 vụ, 8 em), Krông Pa (5 vụ, 8 em), Đak Đoa (6 vụ, 7 em), Ia Grai (5 vụ, 7 em). Riêng 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 8 vụ đuối nước khiến 12 trẻ em tử vong, trong đó có 10 trường hợp là trẻ em DTTS.
Nguyên nhân chủ yếu là do các em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong khi đó, hiện nay, số lượng bể bơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ, môn bơi lội chưa được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường.
Trước tình trạng trên, ngày 4/4, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để giảm thiểu tối đa các tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước gây tử vong cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND yêu cầu các đơn vị đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước, nhất là tai nạn đuối nước liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên trên các phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng bằng nhiều hình thức phù hợp. Vận động gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, có trách nhiệm trong việc phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chủ động trong việc tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em, cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em trong các bậc học, cấp học. Tuyên truyền, vận động gia đình, bố, mẹ, ông, bà và người thân không được chủ quan, lơ là, mà phải thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và vào mùa mưa bão. Chủ động mở các các lớp dạy kỹ năng bơi cho học sinh, sinh viên và mở rộng phong trào dạy bơi, học bơi trong trường học; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho học sinh, sinh viên.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em... Kịp thời chỉ đạo rà soát, phát hiện các điểm nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, như: các hố sâu; hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông; các sông, suối, ao, hồ để có các giải pháp phù hợp tối ưu nhằm đảm bảo phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em như: cắm biển cảnh bảo khu vực nguy hiểm; xây dựng rào chắn; trang bị dây, phao cứu sinh công cộng....
Tuyên truyền, vận động người dân có các hồ tự đào phục vụ tưới tiêu cây trồng rà soát các điểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước để có biện pháp như gắn biển cảnh báo, rào chắn an toàn... ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước bằng hình thức phù hợp tại các ao, hồ thuộc sở hữu cá nhân. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư trang bị, cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.