Tham dự tọa đàm có nhà văn Cao Duy Sơn - Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam; đại diện văn nghệ sĩ thuộc Hội VHNT hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum cùng các học viên lớp bồi dưỡng sáng tác.
Tại buổi tọa đàm, hai nội dung trọng tâm đã được các đại biểu đưa ra thảo luận là: “Văn chương đang đồng hành như thế nào với đời sống?” và “Phải làm gì để văn học DTTS Tây Nguyên tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên?”. Đây cũng là những vấn đề mà Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các tỉnh Tây Nguyên đang dành nhiều sự quan tâm và trăn trở.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Nghệ sĩ ưu tú Đặng Công Hưng - Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT tỉnh Gia Lai cho biết: Tây Nguyên được xem là miền đất “màu mỡ” cho những cây bút viết về đề tài DTTS. Nhưng suốt một thời gian dài mảng đề tài này hãy còn gượng gạo, còn e dè và “cầm chừng” ở “đường biên bóng dáng buôn làng”. Cùng với đó, cuộc sống hiện đại đã làm những cây bút viết về đề tài DTTS ngày một “vơi” dần đi theo thời gian cả về số lượng lẫn chất lượng.
VHNT đóng vai trò là nơi lưu trữ, là “người thư ký” mẫu mực của văn hóa dân tộc. Văn học nghệ thuật và văn hóa là mối quan hệ tương hỗ trong thế giới tinh thần của mỗi con người.
Để các các viết trẻ không hụt hẫng, chơi vơi trong sáng tác về đề tài văn học DTTS Tây Nguyên cần có nhiều hơn nữa những lớp tập huấn về văn hóa truyền thống và nhiều hơn nữa những đề án về bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS. Có như vậy, văn học viết về đề tài DTTS mới làm tốt vai trò bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, khuyến khích những cây viết là người DTTS sáng tác bằng song ngữ giúp tác phẩm gần gũi hơn với các dân tộc tại chỗ, qua đó lưu giữ được cốt cách, tâm hồn dân tộc. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc và góp phần chống lại nguy cơ đồng hóa về văn hóa. Đồng thời, vừa khẳng định sự hiện diện văn học DTTS Tây Nguyên trong dòng chảy của văn học hiện đại.
Tọa đàm “Văn học trẻ - Văn học DTTS Tây Nguyên - Những điều cần suy ngẫm” là “bước chạy đà” hoàn hảo để văn nghệ sĩ có được những kinh nghiệm và tư liệu quý trong hành trình sáng tạo của mình. Từ đó, tạo nên những tín hiệu tích cực từ lực lượng cây viết trẻ, chờ đợi ở họ sự bật thoát những tác phẩm tinh túy, tiêu biểu cho văn hóa đất và người Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Sau tọa đàm này mỗi hội viên có thêm suy ngẫm về văn học DTTS và chấp cánh cho những tác phẩm đặc sắc ra đời.