Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Gia Lai làm tốt công tác giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS

Cam Hoàng Phúc - 10:00, 07/12/2022

Đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào DTTS được tỉnh Gia Lai xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Người lao động đồng bào DTTS được đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Gia Lai
Người lao động đồng bào DTTS được đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Gia Lai

Ưu tiên giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS

Tỉnh Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 46,23% dân số. Những năm qua, nhờ bám sát, triển khai thực hiện tốt Quyết định 42/2012/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Gia Lai đã giải quyết được một lượng lớn việc làm cho lao động là đồng bào DTTS.

Theo thông tin từ Sở Tài chính, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 12 tổ chức, đơn vị sử dụng lao động người DTTS được cấp dự toán kinh phí hỗ trợ. Trong đó, có 7 doanh nghiệp nhà nước, 1 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 4 đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Kinh phí dự toán hỗ trợ cho lao động DTTS  trong năm nay là hơn 14 tỷ đồng.

Ông Đặng Công Lâm - Phó Giám đốc Sở Tài Chính cho biết, Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn có công ăn việc làm, được tham gia bảo hiểm, góp phần giải quyết ổn định chế độ chính sách khi hết tuổi lao động, khi ốm đau và khi thất nghiệp, giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự.

Cuộc sống đổi thay

Kbang là huyện có đông đồng bào DTTS của tỉnh Gia Lai sinh sống, chủ yếu là người Ba Na với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 14%. Nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn.

Chị Đinh Thị Rim (trú tại làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang) vui vẻ cho biết, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Kbang tổ chức, 30 chị em người Ba Na ở làng Lợt, đã nắm vững kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều gia đình đã tự tin mở rộng diện tích trồng rau, tăng năng suất, giúp kinh tế gia đình ngày một ổn định hơn.

Cũng nhờ tiếp thu tốt kiến thức đào tạo kỹ năng nghề nên anh Đinh Văn Bồi (trú tại xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã trở thành tổ trưởng của 2 tổ nề. Thời gian qua, anh cùng các thành viên thường xuyên nhận các công trình, xây dựng nhà cửa, hàng rào cho bà con tại địa phương. Nhờ vậy, thu nhập của anh em tổ thợ nề ngày càng ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang, từ đầu năm tới nay, toàn huyện đã mở được 5 lớp đào tạo nghề nông thôn, thu hút được 150 học viên là người địa phương. Các học viên được dạy ở nhiều lĩnh vực như: Trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, sửa chữa máy móc công suất nhỏ…

Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai hiệu quả tại Gia Lai.
Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai hiệu quả tại Gia Lai.

Ông Dương Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin, để làm tốt công tác đào tạo nghề nông thôn, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền triển khai tư vấn nghề tới địa bàn từng xã. Trên cơ sở đó, chọn những nghề sát với nhu cầu để tạo điều kiện cho người học dễ dàng kiếm việc làm.

Xã A Dơk (huyện Đăk Đoa) từng là một trong những địa phương khó khăn bậc nhất của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ việc các cấp chính quyền đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, mà người dân ngày càng có nhiều công ăn việc làm, qua đó kinh tế địa phương dần đổi thay.

Ông Trương Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang cho biết, trong thời gian qua, đơn vị rất tích cực hỗ trợ, cam kết việc làm cho lao động người DTTS. Hiện, toàn Công ty có 1.490 lao động thì người DTTS chiếm 800 lao động. 

Lao động của Công ty được trang bị đầy đủ bảo hộ, cấp phát chế độ bồi dưỡng độc hại, đóng các loạt bảo hiểm, giải quyết nhanh chóng các chế độ ốm đau, thai sản. Đặc biệt, đối với ngành cao su có 3 tháng mùa khô nghỉ cạo mủ thì Công ty hỗ trợ cho  lao động người DTTS mỗi người 1 triệu đồng/tháng.

Anh Byôm (trú tại xã A Dơk) vui vẻ chia sẻ: “Mình đã làm công nhân cao su hơn 10 năm nay. Thu nhập luôn duy trì ổn định từ 7 triệu đồng trở lên. Sau nhiều năm cố gắng, tích lũy, hiện gia đình đã xây dựng được căn nhà kiên cố, con cái được học hành đầy đủ”.

Không chỉ ngành cao su, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang thực hiện hiệu quả sử dụng lao động người đồng bào DTTS. Đa số các đơn vị sử dụng lao động đã tiến hành ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội và trang bị bảo hộ cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 1/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.