Vì Nhân dân phục vụ
Tại huyện Đak Đoa, việc triển khai làm CCCD lưu động cho người già yếu, tàn tật gặp nhiều khó khăn đang được triển khai quyết liệt. Ngoài đặc thù có đến gần 60% dân số là đồng bào DTTS thì còn nhiều trường hợp bệnh nặng, già yếu, không thể ngồi dậy rất khó chụp hình. Cùng với đó, nhiều trường hợp tuổi cao bàn tay chai sạn, vân tay mất nét, người thiểu năng trí tuệ, dị tật bẩm sinh bàn tay co quắp, khó lấy dấu vân tay...
Đặc biệt, là các trường hợp bị mắc bệnh tâm thần khó tiếp cận. Vì vậy, các cán bộ, chiến sỹ Công an phải phối hợp với thân nhân, trưởng thôn, già làng, Người có uy tín, để vận động, thuyết phục người yếu thế yên tâm làm CCCD.
Trường hợp anh A Rơm (sinh năm 2000, làng Aluk, xã Kdang) bị mắc bệnh tâm thần. Để anh A Rơm có CCCD, các cán bộ, chiến sỹ Công an đã sử dụng nhiều biện pháp, phối hợp với hệ thống chính trị, Người có uy tín của làng nhằm tạo sự gần gũi, an toàn để tiếp cận được đối tượng. Sau một thời gian vận động, anh A Rơm đã hoàn tất thủ tục CCCD.
Ông Kyưm - Trưởng thôn làng Aluk cho biết: “Để bà con làm CCCD hôm nay mình cùng Công an đi tới tận nhà người dân để vận động. Đi một lần không được thì hai, ba lần. Mình nói rõ về lợi ích làm CCCD, bản thân cũng hăng hái làm thì dân làng cùng nghe và làm theo”.
Tương tự, tại huyện vùng sâu Kbang, Công an huyện đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch “90 ngày, đêm”, các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12, và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06.
Công an huyện Kbang không quản ngại gian khổ đến vùng sâu, vùng đồng bào DTTS phối hợp cùng Công an xã, thị trấn tăng cường công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn. Huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, thực hiện cả cố định và lưu động, nhằm phục vụ công dân, đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD và mã định danh điện tử cho công dân đang cư trú trên địa bàn. Đồng thời, luôn túc trực để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục cho bà con nhanh chóng, kịp thời.
Đặc biệt, Công an huyện Kbang còn đến tận xã Krong, nơi có phần lớn đồng bào Ba Na sinh sống, cùng với chính quyền địa phương vận động người dân làm căn cước. Được tuyên truyền về những lợi ích của việc làm Căn cước công dân, dù đang vào mùa gặt, nhiều người dân sinh sống tại các nhà rẫy trong rừng sâu, trên sườn núi cao ở xã Krong đã tranh thủ thời gian về UBND xã để làm thẻ căn cước.
Sau hơn 4 giờ di chuyển từ nhà rẫy đến UBND xã làm CCCD, Em Đinh Thị Dach (18 tuổi, làng Tung Gút, xã Krong) cùng các bạn nữ khác trong bộ đồ sơ mi ngay ngắn vui vẻ kể chuyện: “Từ nhỏ em đã vào ở trong nhà rẫy cách đây xa lắm, đường sá đi lại khó khăn. Hai vợ chồng em ở đó quanh năm để trồng lúa và hoa màu, đi bắt cá suối, kiếm thức ăn hàng ngày tại rẫy. Vừa rồi, em được nghe người thân, loa phát thanh, tuyên truyền về làm Căn cước công dân, em liền rủ mấy chị em cùng đi, ai cũng vui vẻ thu xếp để về UBND xã hoàn thành các thủ tục cấp CCCD”.
Những kết quả đáng mừng
Thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” của Bộ Công an về triển khai các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, cấp định danh điện tử và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tính đến cuối tháng 11/2022, Công an huyện Kbang thu nhận 2.337 hồ sơ cấp Căn cước công dân. Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó Trưởng Công an huyện Kbang, cho biết: “Thời gian này, Công an huyện tiếp tục huy động tối đa lực lượng, quyết liệt thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” của Bộ Công an.
Ngoài tham mưu cho UBND xã các kế hoạch làm Căn cước công dân tập trung, Công an các xã còn vào tận nhà dân để làm thủ tục cho người già yếu, bệnh tật hoặc tập hợp Nhân dân thành từng nhóm nhỏ, thuê xe chở lên UBND xã làm Căn cước công dân rồi chở về. Đồng thời, vận động doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để tặng quà, hỗ trợ gạo cho người dân”.
Cũng trong thời gian này, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của lực lượng Công an, việc cấp CCCD tại huyện vẫn đảm bảo tiến độ. Trung tá Hoàng Vũ Thanh - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Đak Đoa) thông tin: Tính đến cuối tháng 11/2022, Công an huyện đã thu nhận hồ sơ làm CCCD cho 92.451/97.921 công dân đủ điều kiện, đạt 94,44%. Trong đó, 90.559 công dân đã được cấp CCCD, đạt 92,48%.
Để việc triển khai cấp CCCD bảo đảm đúng tiến độ mà Bộ Công an đề ra, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phân công cán bộ, chiến sĩ xuống từng thôn, làng, tổ dân phố, hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa; các đơn vị tổ chức đến tận nhà người dân hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục cấp CCCD.
Mặt khác, Công an các địa phương cũng đã chủ động đầu tư kinh phí bảo dưỡng, nâng cấp phương tiện máy móc kỹ thuật phục vụ việc cấp CCCD lưu động có hiệu quả; triển khai các tổ làm CCCD lưu động đến tận khu dân cư. Nhờ vậy, đến thời điểm này, lực lượng Công an toàn tỉnh đã cấp được hơn 1,15 triệu CCCD, đạt 94,2% số người đủ điều kiện.
Thượng tá Chu Kiến Trúc,Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Theo Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2022 và được thay thế bằng CCCD gắn chip điện tử. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung làm CCCD gắn chip điện tử cho số trường hợp còn lại; thực hiện cấp sổ định danh điện tử cấp độ 2 kết hợp sửa chữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, đơn vị tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và huy động lực lượng Công an xây dựng kế hoạch, triển khai công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về vai trò, ý nghĩa của CCCD gắn chip điện tử và tài khoản định danh điện tử.