Dự Hội nghị có lãnh đạo huyện, xã và các đại biểu là thành viên Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” tại xã Hra (huyện Mang Yang) và xã Ia Púch (huyện Chư Prông).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng kết 1 năm thực hiện mô hình điểm "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS". Đặc biệt, việc thành lập Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” tại xã đã giúp người dân nhận thức hơn về vai trò và tầm quan trọng bình đẳng giới và bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.
Các nội dung của Luật Bình đẳng giới, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược và Chương trình quốc gia được quan tâm, triển khai thực hiện phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế, xã hội của xã. Nhiều chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ được vận dụng trong tất cả các khâu của công tác cán bộ; xác định tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hàng năm và hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực.
Tại xã Hra (huyện Mang Yang), sau 1 năm triển khai mô hình điểm tại xã, đã đạt được một số kết quả: Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” tại xã đã tăng cường tuyên truyền phổ biến bình đẳng giới đến các đối tượng, nâng cao nhận thức của người đồng bào DTTS về bình đẳng giới; Chi hội trưởng phụ nữ tại 9 thôn, làng được tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ đầy đủ; cấp phó của Hội LHPN xã, Hội Đoàn thanh niên xã là người đồng bào DTTS; tham gia đại biểu HĐND xã có 7 đại biểu là nữ, trong đó có 2 nữ là người đồng bào DTTS chiếm 28,5%.
Chị em phụ nữ ở 7 làng đồng bào DTTS đã mạnh dạn tham gia các hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể dục thể thao do các cấp tổ chức; phụ nữ sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong phục vụ các hoạt động văn hóa, xã hội, sản xuất và đời sống của hộ gia đình DTTS.
Tương tự, xã biên giới Ia Púch có 4 thôn làng đồng bào DTTS, trong đó 2 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Triển khai mô hình điểm tại xã đã góp phần nâng cao nhận thức người đồng bào DTTS về bình đẳng giới, nâng mức độ tiếp cận, tham gia của phụ nữ đồng bào DTTS vào các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị tại địa phương. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 số lượng/tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND xã chiếm tỷ lệ 36,84%; 100% phụ nữ hộ nghèo được vay vốn sản xuất; tỷ lệ phổ cập THCS và phổ cập Mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái DTTS trên 98% hoàn thành giáo dục Tiểu học; tỷ lệ phụ nữ sinh tại các cơ sở y tế nhà nước đạt 95%; không để trường hợp tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản…
Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS, ông Trường Trung Tuyến - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đề nghị: Các địa phương tiếp tục chỉ đạo cấp ủy chi bộ, các đoàn thể chính trị - xã hội các thôn, làng tổ chức lồng ghép nội dung Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS trong các buổi sinh hoạt của thôn, làng.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, các tổ chức chính trị trong thôn và phát huy vai trò gương mẫu đảng viên trong vùng đồng bào DTTS; quan tâm, tạo điều kiện Chi hội phụ nữ tổ chức các hoạt động về hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; tiếp tục duy trì câu lạc bộ, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã, thôn, làng thực hiện việc bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS, tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.