Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng; mức tăng so với tháng trước từ 3.000-5.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mốc 56.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017 và đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Giá lợn tăng cao không đồng đều tại các địa phương và tùy thuộc chất lượng lợn: tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao, có trọng lượng trên 100kg /con; tại Ninh Bình tăng 5.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung (tại Hà Tĩnh) dao động ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi thấp hơn và mức tăng không nhiều: tại tỉnh Bạc Liêu giá 46.000 đồng/kg; tại Tiền Giang, giá từ 47.000 - 48.000 đồng/kg; tại Đồng Nai giá khoảng 50.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi trong tháng 7/2018 tăng được nhận định chủ yếu vẫn do mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương (hiện ngành Chăn nuôi đang phối hợp từng địa phương để khắc phục việc này); riêng giá tăng cao kỷ lục ở miền Bắc còn do thời tiết mưa lũ đã ảnh hưởng tới việc giết mổ cũng như hoạt động vận chuyển thịt lợn đến nơi tiêu thụ.
Đối với thịt lợn, việc mất cân đối cung cầu trong các tháng cuối năm 2018 sẽ dần được khắc phục do từ tháng 3 giá bán tăng theo hướng có lợi cho người chăn nuôi, người dân đã đầu tư trở lại cho tái đàn và nuôi thâm canh. Tuy nhiên, giá thịt lợn trong nước có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến nguồn cung thịt lợn của Mỹ tăng cao.
Trong khi thị trường trong nước giá thịt lợn tăng kỷ lục thì thị trường thịt trên thế giới lại đang chịu ảnh hưởng nhiều của cuộc chiến thương mại. Báo cáo Triển vọng Thực phẩm vừa mới công bố vào tháng 7/2018, FAO dự báo mức tăng trưởng tất cả các loại thịt trên thế giới năm 2018 chỉ đạt 1,8%, thấp hơn nhiều so với 4,3% năm 2016 và 2,7% năm 2017.
Thị trường thịt toàn cầu có nhiều biến động khi chính sách áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thịt nhập từ Hoa Kỳ của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 6/7. Nguồn cung thịt lợn Hoa Kỳ đang tăng mạnh vượt nhu cầu nội địa trong khi hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn buộc ngành thịt lợn Hoa Kỳ phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác.
Trong khi đó, xuất khẩu thịt lợn của EU, Canada và Brazil có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn bởi Trung Quốc phải tìm nguồn cung thịt lợn thay thế để đáp ứng nhu cầu trong nước. Không chỉ thịt lợn, động thái tăng thuế của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thịt bò của Hoa Kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững sang Trung Quốc./.
THEO VOV