Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Giải độc cho rừng

PV - 14:00, 05/11/2018

Mặc dù chiến tranh đã qua từ lâu, nhưng nhiều diện tích rừng ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn rất khó để phục hồi. Chính quyền và người dân cũng đã trồng nhiều loại cây nhưng không thành công. Phải đến năm 2015, khi khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đưa giống bản địa vào trồng mới, bước đầu khắc phục được hiện trạng này.

diện tích rừng Nhờ Đề án bảo tồn thiên nhiên của Ban Quản lý rừng Bắc Hướng Hóa, nhiều diện tích rừng ở xã Hướng Linh đã được phục hồi. (Trong ảnh: Thôn Cù Bai, xã Hướng Linh được bao bọc bởi rừng trồng.

Ông Hồ Ta Hơi, Trưởng thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cho biết: Từ sau chiến tranh đến nay, hầu như không còn một cây rừng nào sống sót. Nhìn những cánh rừng trơ trọi, cây cối không mọc được chúng tôi cũng cảm thấy buồn. Mặc dù, người dân đã nhiều lần trồng các loại cây như keo, bời lời nhưng đều không mang lại hiệu quả, bởi đất ở đây đã bị ô nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh.

Qua tìm hiểu thì vùng đất xã Hướng Linh trước đây được xem là tọa độ lửa. Hầu hết rừng nơi đây đều bị nhiễm chất độc dioxin. Vì thế, để phục hồi lại rừng nơi đây là vấn đề không đơn giản. Chính quyền và cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp, tuy nhiên không có hiệu quả.

Ông Hà Văn Hoan, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết: Là người nhiều năm công tác ở địa bàn xã Hướng Linh, nhìn thấy những đồi núi trọc cây cối không mọc được nên chúng tôi rất xót xa. Năm 2015, tôi có dịp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực hiện mô hình “Phục hồi rừng tự nhiên trên đất trống” tại Thái Lan, nhận thấy đây là mô hình phù hợp có thể áp dụng vào việc phục hồi rừng ở khu vực xã Hướng Linh bằng cách cải tạo đất trồng.

Từ ý tưởng đến hành động, ông Hoan đã tìm đến Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt để trình Đề án “Phục hồi rừng bị nhiễm độc dioxin”. Sau khi đề án được phê duyệt, việc trước tiên là cải tạo môi trường đất (khử độc), sau đó ông cho thí điểm trồng thử trên 7ha đất rừng ở xã Hướng Linh. Loài cây trồng chính tại mô hình là những cây bản địa như: lim xanh, huỷnh, nhội, lát hoa, muồng đen, sau sau, xoan nhừ. Bên cạnh đó, một số loài cây mọc nhanh để hỗ trợ được trồng xen kẽ cây bản địa như: trẩu, keo tai tượng…

Để đề án thành công, Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã phối hợp với chính quyền xã Hướng Linh, thôn Xa Bai tuyên truyền để người dân cùng tham gia chăm sóc và bảo vệ. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Hoan, quá trình triển khai thực hiện Đề án gặp không ít khó khăn, bởi do gặp phải thời tiết nắng nóng, khô hạn và gió mạnh nên hơn 50% cây rừng trồng bị chết. Tuy nhiên, Trung tâm quyết tâm thực hiện bằng được.

Theo đó, Trung tâm tiếp tục trồng bổ sung số cây bị chết. Nhờ kiên trì khắc phục khó khăn để chăm sóc, bảo vệ cho nên đến nay chỉ mới hơn 3 năm triển khai thực hiện, đã có hơn 95% cây rừng bản địa được trồng tại tiểu khu 667A thuộc xã Hướng Linh sống và phát triển tốt màu xanh của rừng và đồi núi trọc đã xanh tươi trở lại.

Ông Hồ Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh cho biết: Hướng Linh là xã miền núi, diện tích đất tự nhiên chủ yếu là rừng đồi. Kinh tế người dân chủ yếu dựa vào diện tích đất lâm nghiệp. Đất bị ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thực hiện Đề án “Phục hồi rừng tự nhiên trên đất trống” đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân, nhiều hộ gia đình có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Chính quyền xã luôn phối hợp chặt chẽ với Khu bảo tồn trong việc vận động nhân dân phối hợp chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng đã được phục hồi để rừng Hướng Linh ngày càng xanh tốt đem lại môi trường sinh thái trong lành cho người dân…

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục