Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Lâm Đồng

PV - 10:15, 19/07/2019

Những quy định về điều kiện chuyển nhượng, mua bán, tặng cho đất sản xuất của đồng bào DTTS được tỉnh Lâm Đồng triển khai trong những năm qua đã giúp đồng bào có tư liệu sản xuất, ổn định sinh kế. Nhưng để chủ trương này hiệu quả hơn thì cần có những điều chỉnh cho phù hợp, cả về phía người dân cũng như chính quyền địa phương.

Bài 2: Những “điểm nghẽn”  cần tháo gỡ

Vẫn còn trông chờ

Thôn 2, xã Đạ Long (huyện Đam Rông) có 79 hộ, 100% dân số là đồng bào dân tộc Cơ-ho. Tất cả các hộ trong thôn đều có đất vườn và đất lâm nghiệp được giao quyền sử dụng để sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân trong thôn khá ổn định.

Gia đình ông Kơ Dong Ha Hoanh, 70 tuổi, được xem là một hộ khá ở thôn 2. Nhà ông có 2ha cây cà phê, 4 sào (4.000m2) ruộng lúa nước. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi bò, gà, vịt; trồng thêm rau màu trong vườn.

“Nhà tôi có 4 người, bình quân mỗi tháng cũng làm ra được khoảng 12 triệu đồng. Chưa dư giả gì nhưng thế này cũng tạm ổn rồi”, ông Hoanh cười nói.

Sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS ở Lâm Đồng vẫn trông chờ vào tự nhiên. (Ảnh chụp tại xã Đạ Long). Sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS ở Lâm Đồng vẫn trông chờ vào tự nhiên. (Ảnh chụp tại xã Đạ Long).

Ông Hoanh cho biết thêm, hầu hết người dân ở trong thôn 2 đều chăm làm. Có vườn, lại có đất trồng cà phê nên đời sống của bà con trong thôn không đến nỗi khó khăn lắm.

Cũng như 79 hộ ở thôn 2, đại đa số đồng bào DTTS ở xã Đạ Long đều có đất sản xuất ổn định. Toàn xã có 683 hộ (95% dân số là đồng bào dân tộc Cơ-ho) thì chỉ có 20 hộ thiếu đất sản xuất. Theo ông Lơ Mu Ha Poh, Chủ tịch UBND xã Đạ Long, có được điều này một phần xuất phát từ chủ trương giữ đất cho đồng bào DTTS của tỉnh triển khai từ hàng chục năm nay.

Nhưng điều khiến ông Lơ Mu Ha Poh trăn trở nhất là dù có đất sản xuất nhưng ở Đạ Long, phần lớn người dân chưa khai thác hết giá trị đất đai để nâng cao thu nhập. Ông Poh bảo, 79 hộ dân ở thôn 2 thuộc diện “cá biệt” khi biết sử dụng đất để thoát nghèo; còn trên địa bàn xã vẫn có không ít hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

“Vườn tược nhiều nhà bỏ hoang, còn bà con thì lại vào rừng canh tác theo kiểu truyền thống. Xã cấp giống cây trồng, phân bón, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật rồi nhưng sau khi trồng, bà con không chăm sóc, được bao nhiêu thì thu hoạch bấy nhiêu”, ông Poh cho biết.

Đơn cử như cây cà phê, nếu áp dụng khoa học-kỹ thuật thì một ha có thể cho thu hoạch 4-5 tấn/vụ. Nhưng ở Đạ Long, bình quân mỗi ha cà phê chỉ cho sản lượng khoảng 2 tấn/vụ. Vì thế tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện vẫn xấp xỉ 32%; thu nhập bình quân của xã mới chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Cần thêm chế tài

Việc người dân có đất canh tác, được hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón, nông cụ nhưng chưa tận dụng hết tiềm năng khiến công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Đạ Long cứ trầy trật. Chủ tịch UBND xã Đạ Long-ông Lơ Mu Ha Poh còn lo lắng, huyện Đam Rông đang phấn đấu thoát khỏi diện huyện nghèo 30a vào cuối năm 2020. Khi đó nguồn lực hỗ trợ sẽ giảm, nếu người dân không thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì xã sẽ rất khó để hoàn thành hai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Xây dựng Nông thôn mới.

Đây cũng là trăn trở của ông Thân Hùng Mạnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông. Theo ông Mạnh, trên địa bàn huyện chỉ có một vài xã thuộc diện khá, còn lại đều rất khó khăn, nhất là các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 2.565 hộ nghèo thì có đến 2.358 hộ nghèo là đồng bào DTTS. Ngoài ra, huyện còn có 2.441 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS.

“Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ đất sản xuất của Nhà nước và quy định bắt buộc về chuyển nhượng, mua bán đất sản xuất của tỉnh nên hiện trên địa bàn huyện chỉ có 96 hộ thiếu đất sản xuất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân phải thay đổi nếp nghĩ để khai thác giá trị của đất đai, vươn lên khá giả’, ông Mạnh cho biết.

Chia sẻ thêm về việc tỉnh Lâm Đồng ban hành những quy định bắt buộc khi mua bán, chuyển nhượng đất sản xuất của đồng bào DTTS trên địa bàn, ông Mạnh cho rằng, đây là chủ trương rất nhân văn, hướng tới mục tiêu giữ tư liệu sản xuất ổn định cho đồng bào DTTS. Nhưng ở phần chế tài xử lý vẫn còn chung chung nên vẫn còn hiện tượng mua bán, chuyển nhượng trái quy định.

Đây cũng là quan điểm của ông Ka Sung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đơn Dương khi trao đổi với phóng viên. Theo ông Ka Sung, chế tài xử lý mua bán đất sản xuất của đồng bào DTTS vẫn chưa chặt chẽ nên đã có nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại của bà con, nhưng chính quyền địa phương cũng rất khó giải quyết hợp tình hợp lý.

Thực tế, phải khẳng định rằng, dù vẫn còn một số vấn đề cần sớm tháo gỡ nhưng việc tỉnh Lâm Đồng đề ra những quy định bắt buộc để hạn chế tình trạng mua bán đất sản xuất của đồng bào DTTS là rất phù hợp. Bà con có tư liệu sản xuất nên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai có hiêu quả, góp phần quan trọng tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Nếu người dân vận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất để khai thác giá trị đất canh tác thì việc thoát nghèo, vươn lên làm giàu không hề khó.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.