Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm hộ nghèo có thành viên là Người có công: Cần giải pháp linh hoạt trong thực hiện chính sách ưu đãi

PV - 10:23, 21/08/2019

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59/NQ-CP; một trong những nội dung nổi bật được nêu trong Nghị quyết là hết năm 2019 sẽ không còn hộ nghèo có thành viên là người có công (NCC). Để đạt được mục tiêu này thì các địa phương cần có những giải pháp sáng tạo trong thực hiện chính sách ưu đãi với NCC.

Nhiều hộ nghèo có thành viên là NCC

Những năm qua, ngoài chính sách trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần, NCC còn được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm... Các chính sách ưu đãi NCC luôn được quan tâm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời để thực hiện.

Chính sách ưu đãi đã góp phần nâng cao mức sống của các gia đình NCC, giảm số hộ nghèo có thành viên là NCC trên cả nước. Số liệu tại Hội nghị “Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC” diễn ra ngày 12/7/2019 cho thấy, hiện cả nước đã có 10 tỉnh, thành phố không còn hộ nghèo có thành viên là NCC; có 44 tỉnh, thành phố có từ 100-500 hộ nghèo có thành viên là NCC.

Rà soát nhu cầu để hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là NCC có điều kiện để thoát nghèo. (Ảnh minh họa) Rà soát nhu cầu để hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là NCC có điều kiện để thoát nghèo. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng, cả nước vẫn còn hơn 16.650 hộ nghèo có thành viên là NCC, chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Như chia sẻ của ông Dũng thì đây là điều trăn trở khi mà chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để NCC sống dưới mức sàn an sinh xã hội.

Nguồn lực hỗ trợ không hề nhỏ

Rõ ràng, việc cả nước vẫn còn hơn 16.650 hộ nghèo có thành viên là NCC đang là một tồn tại lớn trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Nhiều ý kiến cho rằng, định mức trợ cấp, phụ cấp còn thấp là một rào cản khiến chính sách ưu đãi NCC chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thực tế, so với mặt bằng giá thị trường thì mức chuẩn để xác định phụ cấp, trợ cấp theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2019) là 1,624 triệu đồng còn tương đối thấp. Nhưng trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, với số lượng NCC được thụ hưởng rất lớn (hơn 9,2 triệu người) thì việc Nhà nước bố trí được nguồn lực để thực hiện chính sách trong thời gian qua đã là một nỗ lực rất lớn.

Chỉ tính trong năm 2018, ngân sách nhà nước đã chi hơn 30,5 nghìn tỷ đồng để triển khai các chính sách đối với NCC. Đó là chưa kể, trong năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã bổ sung 1.712 tỷ đồng để thực hiện pháp lệnh NCC với cách mạng.

Về Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, tổng kinh phí đã hỗ trợ năm 2018 là 8.140 tỷ đồng. Như vậy, so với kinh phí thực hiện nhóm chính sách an sinh xã hội thì chính sách ưu đãi NCC thuộc diện cao hơn tất cả các nhóm chính sách khác.

Cách hỗ trợ là yếu tố quyết định

Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với NCC là không hề nhỏ; vậy vì sao số hộ nghèo có thành viên là NCC vẫn còn hơn 16.560 hộ? Ngoài ra, theo thống kê, cả nước vẫn có đến 8 tỉnh, thành phố có từ 500-1.000 hộ nghèo có thành viên là NCC. Hầu hết các địa phương này đều thuộc vùng DTTS và miền núi; trong đó có hai tỉnh có hơn 1.000 hộ là Nghệ An và Quảng Bình.

Theo bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 1.026 hộ gia đình nghèo có thành viên là NCC. Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan như thiếu tư liệu sản xuất, vốn vay, NCC đã cao tuổi, mất sức lao động… thì một bộ phận thân nhân của NCC thuộc diện hộ nghèo còn chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

“Ngoài ra, chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa chủ động, quyết liệt trong việc tìm giải pháp hỗ trợ đối tượng NCC thoát nghèo”, bà Loan nhấn mạnh.

Khẳng định của bà Loan là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, thực hiện chính sách ưu đãi NCC, nhiều địa phương chỉ mới triển khai đúng, đủ việc chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết,… mà chưa tìm cách hỗ trợ phù hợp để gia đình NCC thoát nghèo. Còn ở một số địa phương khác, nhờ linh hoạt trong việc thực hiện chính sách an sinh đối với NCC nên hiện không còn hộ nghèo có thành viên là NCC.

Lấy Gia Lai làm dẫn chứng, cuối năm 2017, sau rà soát, toàn tỉnh còn 380 hộ nghèo có thành viên là NCC. Trên cơ sở rà soát nhu cầu của từng hộ, trong năm 2018, tỉnh Gia Lai đã có những giải pháp hỗ trợ gia đình NCC thuộc diện hộ nghèo theo hướng: hộ còn khả năng lao động nhưng thiếu đất sản xuất thì tặng bò, hỗ trợ giống, vốn; hộ nghèo do già yếu, bệnh tật, không còn khả năng lao động thì chọn giải pháp giúp đỡ là tặng sổ tiết kiệm (10 triệu đồng/sổ)… Nhờ đó, hết năm 2018, 380 hộ nghèo có thành viên là NCC ở Gia Lai đã thoát nghèo.

Cách làm của Gia Lai rất cần được nhân rộng bởi hiện nay vẫn còn 53/63 tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều hộ nghèo có thành viên là NCC. Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2019 đề ra mục tiêu đến hết năm 2019 không còn hộ nghèo có thành viên là NCC. Nhưng chính cơ quan chủ quản thực hiện chính sách ưu đãi NCC (Bộ LĐTB&XH) cũng thừa nhận, mục tiêu này là khó khả thi nếu không có những giải pháp sáng tạo, cụ thể.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.