Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi: Nhìn lại chặng đường 10 năm (Bài 1)

Minh Thu - 14:57, 26/08/2021

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể, khả thi để chương trình giảm nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả, khuyến khích người dân hăng say phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo một cách thực chất và bền vững, là vấn đề cần tiếp tục được cả hệ thống chính trị, toàn xã hội quan tâm đặc biệt...

Mô hình nuôi trâu hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, thôn Làng Mới, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh)
Mô hình nuôi trâu hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, thôn Làng Mới, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh)

Hơn 10 năm qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, cũng như vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo vùng DTTS và MN với nhiều điển hình vươn lên thoát nghèo.

Hỗ trợ hiệu quả và khơi dậy ý chí thoát nghèo

Chỉ cách trung tâm huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chừng 3km đường chim bay, nhưng để đi hết xã Đồn Đạc phải mất trên 40km đường rừng. Là xã ĐBKK, 6 năm về trước, Đồn Đạc có tới trên 50% hộ nghèo

Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ hiệu quả của các chính sách giảm nghèo, những năm qua, ý chí tự lực vươn lên của người dân đã được khơi dậy mạnh mẽ. Hiện tỉ lệ hộ nghèo của xã Đồn Đạc hiện chỉ còn trên 13%, nhiều hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2018, anh Nguyễn Văn Trọng, thôn Làng Mới, xã Đồn Đạc, đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Vừa chăn nuôi vừa học hỏi kỹ thuật, hiện nay gia đình anh đang duy trì được đàn trâu 20 con. 

Anh Trọng chia sẻ: “Nuôi trâu không quá vất vả như nhiều người nghĩ. Quan trọng là mình biết áp dụng kiến thức vào việc chăm sóc. Như gia đình tôi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ nuôi trâu đạt khoảng 120 - 150 triệu đồng.Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trâu với bà con trong thôn để cùng nhau mở hướng thoát nghèo”.

Ở xã Đồn Đạc, 2 năm qua, xã có 44 hộ dân làm đơn xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Trong khi đó, toàn huyện Ba Chẽ có trên 150 hộ tự nguyện viết đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo. 

“Đây là minh chứng rõ rệt cho sự thay đổi  về tư tưởng của đồng bào trên địa bàn.Từ đó lan tỏa phong trào tự lực vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”, bà Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Chẽ nhận định.

Còn ở Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020, UBND xã Tiên An, huyện Tiên Phước đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 152 hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS các loại cây, con giống. Đồng thời, khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia trại, trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như cây măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh... 

Nhờ đó, kết quả giảm nghèo ở Tiên An rất ấn tượng. Số hộ nghèo giảm từ 18,61% (năm 2016) xuống còn 6,22% (năm 2020) và xã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới.

Hơn 10 năm qua, các chính sách giảm nghèo bền vững đã góp phần làm đổi thay mạnh mẽ vùng DTTS và miền núi trên địa bàn cả nước
Hơn 10 năm qua, các chính sách giảm nghèo bền vững đã góp phần làm đổi thay mạnh mẽ vùng DTTS và miền núi trên địa bàn cả nước

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đăng ký xây dựng mô hình kinh tế vườn, chuồng trại. Trong năm 2021, UBND xã Tiên An tiếp tục hỗ trợ 13 hộ đồng bào Cor trồng các loại rau sạch, an toàn như rau cải, rau dền, mồng tơi...

“Trong kế hoạch giảm nghèo của địa phương, từng hộ nghèo được xác định rõ tên tuổi, địa chỉ, thực trạng nghèo để hỗ trợ chính xác. Huyện, xã tranh thủ lồng ghép các nguồn lực giảm nghèo, các cơ chế chính sách khác để tác động toàn diện, trợ giúp hộ nghèo. Đến nay, toàn huyện có 50 HTX, trong đó có 38 HTX nông nghiệp; có 28 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận 4 sao, 3 sao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,52%; hộ cận nghèo còn 2,66%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm”, ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết.

Kết quả giảm nghèo được đánh giá cao

Đánh giá về Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Qua quá trình thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. 

Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam lần đầu tiên và là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liệp hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo.

Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trung bình giảm 1,43%/năm, tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK, 125 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhờ trồng ớt Ariêu mà cuộc sống của đồng bào DTTS ở xã Ma Cooih có thu nhập ổn định.
Nhờ trồng ớt Ariêu đồng bào DTTS ở xã Ma Cooih có thu nhập ổn định.

Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo, không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ nghèo. Việc hơn 8 triệu người thoát nghèo và cận nghèo; thu nhập bình quân của người nghèo đến cuối năm 2019 đã tăng 1,6 lần so với trước đã cho thấy, “thoát nghèo” trở thành phong trào trên phạm vi cả nước. 

Trong cộng đồng xuất hiện nhiều tấm gương sáng nổi bật về thoát nghèo được biểu dương như, trường hợp cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái...

Có thể nói, những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề, là động lực để triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, để duy trì phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn mới này, nhất là khuyến khích, duy trì được tinh thần, ý chí người dân hăng say phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo một cách thực chất, bền vững... là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, với đường hướng, kế hoạch cùng những mô hình giảm nghèo được thiết kế phù hợp và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm...

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.