Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng

PV - 14:16, 27/05/2019

Những ngày cuối tháng Năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đã tổ chức Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2019 (15/5 - 22/5). Thông qua Tuần lễ này, Ban Chỉ đạo muốn gửi tới thông điệp “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”.

Những con số đáng giật mình

Mới đây, tại buổi Lễ tổ chức Kỷ niệm Tuần lễ quốc gia PCTT&TKCN, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Những năm gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tài sản của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể năm 2016, Việt Nam ghi nhận nhiều trận thiên tai lớn như: hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ diễn ra gay gắt nhất trong vòng 90 năm gần đây; lũ lớn liên tiếp xuất hiện ở các tỉnh miền Trung đạt mức tương đương lũ lịch sử. Các trận thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu diễu hành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về PCTT& TKCN.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu diễu hành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về PCTT& TKCN.

Đặc biệt năm 2017, được coi là năm của những kỷ lục thiên tai. Trong năm này có 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới); lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng tại nhiều khu vực miền núi và ĐBSCL. Lần đầu tiên hồ Hòa Bình phải vận hành 08/12 cửa xả. Các trận thiên tai lớn đã khiến 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.

Năm 2018, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng, miền trên cả nước với 16/21 hình thái thiên tai trên cả nước làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 20.000 tỷ.

Trong năm 2019, chỉ ít ngày trước đây, nắng nóng gay gắt trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đợt nắng nóng này báo hiệu một năm đầy cam go với công tác PCTT&TKCN.

Chung tay từ cộng đồng

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT&TKCN là lĩnh vực được ưu tiên. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng yếu thế như (người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em, người DTTS...); đặc biệt nội dung luôn hướng tới cộng đồng thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong các giai đoạn của công tác PCTT.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, bắt đầu từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tổ chức Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai từ ngày 15-22/5 hằng năm. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã gửi thư chúc mừng sự kiện Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai, nhằm động viên tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có các cháu học sinh trong công tác phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Hiện nay, cả nước cũng sắp bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, để phát huy truyền thống và bề dày kinh nghiệm trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cấp, ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong năm 2019. Đó là, nâng cao, thống nhất nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân trong công tác PCTT nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về PCTT; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các tình huống thiên tai; các đơn vị rà soát, bổ sung chỉnh sửa Quỹ PCTT phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong PCTT bao gồm: tiếp nhận và chia sẻ thông tin, đảm bảo truyền tải thông tin tới cộng đồng, người dân.

Phát biểu trong buổi phát động Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: “Để chủ động ứng phó, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, tôi đề nghị ngay sau Lễ phát động này, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội, trường học, lực lượng vũ trang… cần tập trung triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai 2019, tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và Nhân dân. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; kỹ năng phòng chống thiên tai cho mọi người dân.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.