Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Giảm thiểu những nỗi đau từ lá ngón

PV - 07:51, 28/08/2019

Theo thống kê chưa đầy đủ từ đầu năm 2019 đến nay tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã xảy ra hơn chục trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó, nhiều trường hợp đã tử vong. Thực trạng nhức nhối này đang gióng lên hồi chuông báo động về nỗi đau từ lá ngón vốn đã hoành hành ở địa bàn miền núi Nghệ An nhiều thập kỷ qua.

Vào khoảng 20 giờ ngày 16/6, anh Lương Văn P, SN 1998, tại bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn do mâu thuẫn trong gia đình đã ăn lá ngón tự tử. Khi gia đình phát hiện thì nạn nhân đã tử vong.

Chiều ngày 3/7, em Và Y U, SN 2002, trú bản Nậm Càn, xã Nậm Càn và em Vừ Bá N, SN 2003, trú bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã rủ nhau lên rừng tìm lá ngón để tự sát. Nguyên nhân là do đôi nam nữ có tình cảm với nhau nhưng không được hai gia đình chấp nhận vì cả hai chưa đủ tuổi kết hôn. Chiều cùng ngày, nhận được thông tin, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã lên rừng tìm kiếm. Tuy nhiên khi tìm thấy thì nạn nhân nữ đã tử vong, còn nạn nhân nam sau đó cũng trút hơi thở cuối cùng do nhiễm độc quá nặng khi trên đường đi cấp cứu.

BĐBP Nghệ An phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân về tác hại của cây lá ngón. BĐBP Nghệ An phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân về tác hại của cây lá ngón.

Về những nguyên nhân dẫn đến việc ngộ độc bởi lá ngón, ông Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cho biết: Hầu hết những vụ ngộ độc lá ngón của đồng bào là do tự tử. Đa số các nạn nhân đều là trẻ em gái và phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến cái chết bằng lá ngón thường xuất phát từ những mâu thuẫn có khi rất nhỏ trong gia đình, bạn bè cãi nhau, một lời nói cay nghiệt, buồn chán, những hờn giận, ghen tuông… dễ khiến người phụ nữ tìm giải pháp tiêu cực này. Thậm chí, chỉ vì một lý do đơn giản là trong bản có người nói xấu mình thì họ cũng tìm đến lá ngón để giải quyết mâu thuẫn. Họ quan niệm rằng, chết vì giận người thân là cách tốt nhất để trừng phạt người còn sống, để cho người sống luôn phải nhớ thương, đau khổ, phải thui thủi lên rẫy, phải sống một mình…”.

Các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An được xem là “thánh địa” của cây lá ngón, bởi ở vùng đất này, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của “lá chết người” này. Lá ngón mọc khắp nơi, từ trên đỉnh núi cao đến các triền đồi, đường đi, trường học..., thậm chí ở ngay bên vách nhà.

Theo kinh nghiệm của các già làng thuộc miền Tây của tỉnh Nghệ An, cho biết: Một khi đã uống nước lá ngón được nấu lên thì không có cách gì cứu chữa được. Nếu ăn phải lá ngón tươi thì có một số cách cứu chữa như: Ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào người cho mát; tìm mọi cách giúp người bệnh nôn ra càng sớm càng tốt; sau đó nhanh chóng đưa đến trạm y tế nơi gần nhất để y, bác sĩ rửa ruột. Ngoài ra, còn có một số cách khác mà người dân các huyện miền núi vẫn làm như cây rau má tươi (nguyên cây) được rửa sạch và giã nát lấy nước cho uống; hoặc cũng có thể giải độc lá ngón bằng cách giã nhỏ cây rau muống rồi lấy nước uống. Điều cơ bản là phải tìm mọi cách làm cho nạn nhân thải độc tố khỏi cơ thể.

Nhằm giảm thiểu những nỗi đau từ lá ngón, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành nhiều đợt tuyên truyền cho đồng bào trên địa bàn khu vực biên giới về tác hại của cây lá ngón. Tại các đợt tuyên truyền, lực lượng quân y phối hợp với y tế địa phương cũng hướng dẫn đồng bào cách cấp cứu ban đầu cho các nạn nhân nếu bị nhiễm độc nguy hiểm đến tính mạng của cây lá ngón. Đồng thời vận động Nhân dân tích cực bài trừ, xóa bỏ cây lá ngón xung quanh các các khu dân cư, bản làng nhằm loại trừ loại cây kịch độc gây tác hại đối với bà con khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Cây lá ngón có tên khoa học là: Gelsemium elegans Benth, thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae) mọc nhiều nơi ở vùng đồi núi. Cây có hoa vàng rất đẹp nhưng lại có độc tính mạnh, dễ gây ngộ độc chết người. Khi ngộ độc người bị nôn mửa, hôn mê, giãn đồng tử, ngạt hô hấp, các cơ bị mềm nhũn, đau bụng dữ dội, chảy máu dạ dày, ruột… Khi ngộ độc phải rửa dạ dày, chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

PHƯƠNG LINH

Tin cùng chuyên mục
Hà Giang: Phát lộ số tiền sai phạm sau thanh tra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Hà Giang: Phát lộ số tiền sai phạm sau thanh tra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thanh tra tỉnh Hà Giang đã ban hành Kết luận thanh tra số 02/KL-TTr ngày 18/3/2024 về việc chấp hành quy định của pháp luật trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB &XH) và các đơn vị trực thuộc. Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 370 triệu đồng.