Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai: Cần nâng cao kỹ năng ứng phó của người dân

Hoàng Quý - 14:55, 25/09/2020

Mặc dù thời gian đổ bộ không kéo dài nhưng bão số 5 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân. Nhiều trường hợp thương vong trong bão số 5 là do chủ quan, không tuân thủ các quy tắc về bảo đảm an toàn khi xảy ra mưa bão.

Bão số 5 làm 6 người tử vong, 112 người bị thương. (Ảnh tư liệu)
Bão số 5 làm 6 người tử vong, 112 người bị thương. (Ảnh tư liệu)

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), tính đến 17 giờ ngày 20/9, bão số 5 đã làm chết 6 người (Hà Tĩnh: 1; Quảng Trị: 1; Thừa Thiên -Huế: 4). Ngoài ra, bão số 5 cũng đã làm 112 người bị thương, nhiều nhất là ở tỉnh Thừa Thiên - Huế với 92 người.

Trong 4 người tử vong do bão số 5 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo xác định của chính quyền địa phương thì có 2 trường hợp tử vong do cây đổ, 2 trường hợp ngã khi đang lợp nhà sau bão. 

Còn 1 trường hợp tử vong ở Quảng Trị (em Hồ Thị Ngọc, sinh năm 1992, ở thôn A Pun, xã Tà Rụt, huyện Đakrông) là do bị lũ cuốn khi đi qua cầu tràn vào ngày 18/9. Tương tự là trường hợp em Nguyễn Tuấn Hoàng, ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng tử vong ngày 19/9 do bị lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tràn. 

Như vậy, ngoài yếu tố khách quan là bão số 5 với thời gian đổ bộ nhanh, gió giật mạnh thì ý thức cảnh giác và kỹ năng ứng phó của người dân trong phòng chống bão, lũ vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi thực tế, các trường hợp tử vong do bão số 5 vừa qua hoàn toàn có thể lường trước được nếu các nạn nhân cảnh giác trước sự phức tạp, nguy hiểm của mưa lũ. Ví dụ như không đi qua cầu tràn khi nước dâng cao, không trèo lên mái nhà khi bão vừa tan, chuẩn bị đón hoàn lưu sau bão.

Người dân cần nâng cao cảnh giác và kỹ năng ứng phó với thiên tai. ( Ảnh minh họa)
Người dân cần nâng cao cảnh giác và kỹ năng ứng phó với thiên tai. ( Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thiệt hại do thiên tai gây ra không thể định lượng hết bằng những con số khô cứng mà nó còn để lại biết bao gánh nặng đau thương không thể nguôi ngoai cho người ở lại, cho cuộc sống hiện tại và mai sau của chúng ta.

Để chủ động PCTT, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã từng bước xây dựng hoàn thiện bộ máy quản lý, chỉ đạo điều hành công tác PCTT trên phạm vi toàn quốc. Bước đầu lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; từng bước ứng dụng khoa học -kỹ thuật tiên tiến trong PCTT, ứng dụng công nghệ tin học, thông tin, viễn thám, vệ tinh trong giám sát, thu thập, tổng hợp, phân tích diễn biến thiên tai...

“Bên cạnh sự quan tâm và cố gắng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai thì sự góp sức và ý thức quan tâm phòng, chống thiên tai của toàn thể Nhân dân mang ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại do thiên tai gây ra đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế của đất nước”, ông Hoài chia sẻ.

Ngoài thiệt hại về người, bão số 5 vừa qua đã làm 13 nhà đổ sập hoàn toàn, 22.716 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 36 điểm trường bị ảnh hưởng; 1.439ha lúa, 2.449ha hoa màu 2.339ha cây lâm nghiệp, 309ha cây ăn quả lúa, 105 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hỏng, thiệt hại; 217 cột điện bị gãy đổ; 7 trạm biến áp bị hư hỏng; 3 trụ thông tin bị gãy; 43 tuyến cáp quang bị đứt; 16,5km bờ biển, bờ sông bị sạt lở…

Tin cùng chuyên mục