Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh: Vị học giả uyên bác hàng đầu Việt Nam

PV - 15:20, 03/07/2018

Với những nhà nghiên cứu khoa học, dường như chưa bao giờ có khái niệm về tuổi nghỉ hưu. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ bước sang tuổi tám, chín mươi vẫn có sức làm việc bền bỉ, miệt mài khiến giới trẻ không theo kịp. Giáo sư-Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH) Tô Ngọc Thanh là một người như vậy. Ở tuổi 84, ông vẫn đủ trí tuệ minh mẫn và sức khỏe để gánh vác trọng trách Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ông được giới khoa học nhận xét là một trong những học giả uyên bác hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.

Âm nhạc dân gian là kho tàng văn hóa quý giá của các DTTS Việt Nam. Âm nhạc dân gian là kho tàng văn hóa quý giá của các DTTS Việt Nam.

 

Đi theo tiếng gọi âm nhạc

Không phải ngẫu nhiên mà tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2015-2020) diễn ra hồi tháng 5/2015, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh bước sang tuổi 81 vẫn được các Hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Với gần 60 năm công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, văn nghệ dân gian; gần 30 năm giữ các chức danh lãnh đạo từ Viện Phó lên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam rồi sang Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (ba khoá liên tiếp); Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khóa 6 (nhiệm kỳ 2010-2015), GS-TSKH Tô Ngọc Thanh hội tụ đủ mọi tố chất của một nhà khoa học toàn tài, uyên bác khiến giới khoa học đều “ngả mũ kính nể”.

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh. Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh.

 

Là con trai của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân-một bậc thầy tài hoa cùa nền hội họa đương đại Việt Nam, những tưởng cậu bé Tô Ngọc Thanh sẽ nối nghiệp cha đi theo con đường hội họa. Nhưng niềm đam mê âm nhạc truyền thống đã đưa cậu rẽ sang hướng khác. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh kể lại, thời thơ bé, để giữ không gian tĩnh lặng cho cha vẽ tranh, ông thường lẻn sang nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nghe lỏm cụ Khoát và bạn bè đàn hát. Nghe mãi thành quen, thành thuộc rồi đam mê. Ở đâu có âm nhạc là đôi tai thính của cậu lại vểnh lên nghe ngóng, trái tim xốn xang giục giã đôi chân bước nhanh về hướng đó.

Thủa học trò, Tô Ngọc Thanh mê mệt tiếng sáo của một nghệ sĩ già bán sáo dạo bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ao ước có được chiếc sáo để thổi, cậu đã nhịn ăn sáng để dành tiền mua cây sáo 6 lỗ với giá 15 xu. Vậy là chiều chiều, cậu lẻn ra ngoài vườn hoa tập thổi sáo một mình để người nhà không ai biết...

11 tuổi, cậu bé Tô Ngọc Thanh theo gia đình đi kháng chiến rồi trở thành Trưởng đoàn Văn hoá kháng chiến những năm 1949-1951. Thời điểm đó, chàng nghệ sĩ trẻ Tô Ngọc Thanh tham gia đóng kịch, ca hát trong nhiều tiết mục của đoàn, gây được nhiều ấn tượng.

Năm 1951, Đoàn Văn hoá kháng chiến giải thể, Tô Ngọc Thanh thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó tiếp tục theo học khoa Sáng tác-Trường Âm nhạc Việt Nam khoá đầu tiên. Năm 1959, ông được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật-Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ thời điểm này, ông bắt đầu hành trình rong ruổi mấy chục năm đi sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, sống hoà nhập cùng đồng bào các DTTS ở vùng cao.

Những “hạt vàng” trí tuệ

Hơn 50 năm lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, được coi là những “hạt vàng” trí tuệ, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Công trình “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc” (1969); Tác phẩm “Âm nhạc dân gian Mường” (1971); “Âm nhạc Dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam” (1979); “Tìm hiểu Âm nhạc Cổ truyền”-viết chung với Nhạc sĩ Hồng Thao (1982); “Fonclo Bahna”, do ông Chủ biên (1988); “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (1995); Tư liệu “Âm nhạc Cung đình Việt Nam” (2000); “Ghi chép về Văn hoá và âm nhạc”-công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang sách, với 43 bài nghiên cứu sâu rộng, sâu sắc về văn hoá và 30 bài nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc.

Ông còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lí, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các DTTS và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Đây là những công trình khoa học có sự thẩm thấu, những hạt vàng trí tuệ của vị GS-TSKH thông tuệ, am hiểu sâu rộng, có bề dày trải nghiệm cuộc sống thực tiễn...

Từ năm 2010 đến nay, đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh luôn dồn hết tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến trí tuệ, công sức để đưa Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lên một tầm cao mới. Hiện nay, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã có 76 chi hội và gần 1.000 hội viên trên hầu khắp tỉnh, thành cả nước. Nhiều công trình có giá trị của các hội viên trong cả nước đã được tài trợ, tặng giải thưởng kịp thời, góp phần làm hiện diện, tỏa sáng nguồn lực văn hoá dân gian Việt Nam. Hội cũng đã có kế hoạch tổng lực sưu tầm văn hoá dân gian từ năm 2000 đến 2020 nhằm kịp thời bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian trước nguy cơ mai một.

Những thành công đó có vai trò vô cùng quan trọng của vị GS-TSKH khả kính Tô Ngọc Thanh.

Ngọc Ánh