Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Giáo viên “cắm bản” ở Tà Păng

PV - 20:44, 10/04/2018

Vượt qua muôn vàn gian khó, thiếu thốn và cách trở, những giáo viên “cắm bản” ở Tà Păng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn miệt mài trao truyền con chữ cho con em đồng bào nơi miền sơn cước.

Hướng Lập là xã xa nhất về phía Bắc của huyện Hướng Hóa. Tà Păng là bản heo hút, biệt lập và cũng là bản cuối cùng của xã Hướng Lập giáp với biên giới Việt-Lào. Bản Tà Păng có 25 hộ với khoảng 150 nhân khẩu. Là bản xa xôi bậc nhất của Quảng Trị nên đến tháng 2/2015 nơi đây mới có điện lưới kéo về. Do cuộc sống nghèo khó nên người dân không mấy quan tâm đến việc học của con em. Nhiều thế hệ của bản làng không hề biết đến con chữ.

Thầy giáo Nguyễn Đình Quảng đang miệt mài giảng bài cho học sinh trong căn phòng tạm bợ. Thầy giáo Nguyễn Đình Quảng đang miệt mài giảng bài cho học sinh trong căn phòng tạm bợ.

 

Năm 1996, điểm trường lẻ Tà Păng (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lập) được thành lập để con em dân bản nơi đây có điều kiện theo học. Hơn 20 năm qua đã có nhiều thế hệ thầy cô giáo gắn bó với điểm trường heo hút này để truyền dạy con chữ cho các em. Thầy giáo Nguyễn Đình Quảng, dù mới 30 tuổi nhưng đã có thâm niên “cắm bản” ở xã Hướng Lập tròn 7 năm, trong đó gắn bó với điểm trường Tà Păng đã 4 năm nay.

Lúc chúng tôi ghé thăm, thầy Quảng đang say sưa giảng dạy cho lớp ghép gồm lớp 4 và lớp 5 trong “phòng học” cỡ 6m2 được dựng bằng tre nứa, mái được lợp bằng tôn thấp lè tè. “Lớp của mình có 8 em gồm cả học sinh lớp 4 và 5. Dạy lớp ghép nên cứ hết xoay bên này lại xoay bên kia. Tấm bảng phải kẻ chia đôi, mỗi buổi vừa dạy Toán vừa dạy Tiếng Việt và các môn khác nên cũng khá vất vả. Mùa nắng còn dạy được chứ mùa mưa thì xoay đâu cũng ướt, nhiều lúc dạy xong cả thầy trò đều ướt mèm, lem luốc như nhau. Tuy vậy, thấy các em học hành khá chăm chỉ và tiến bộ nên mình cũng quên mệt nhọc để cố gắng dạy cho các em”, thầy Quảng tâm sự.

Điểm trường lẻ Tà Păng hiện có 3 lớp gồm lớp ghép 1-3, lớp ghép 4-5 và lớp 2 với tổng cộng 19 học sinh do 3 thầy cô giáo phụ trách. Điểm trường có 2 phòng học, gồm một phòng tạm bợ “tranh tre nứa lá” và một phòng được xây dựng cách nay tròn 20 năm giờ đã xuống cấp trầm trọng. Sát phòng học xây này là căn phòng được làm nơi ăn ở cho cả 3 giáo viên. Cô Tiên kể đã gắn bó dạy học ở xã Hướng Lập 9 năm nay. Đầu năm học này, cô xung phong xin vào dạy ở điểm trường Tà Păng.

Cô Tiên quê ở thị trấn Khe Sanh, lấy chồng ở TP. Đông Hà, hiện đã có 2 con. Mỗi tuần cô đều vượt quãng đường hơn 300km vừa đi vừa về Đông Hà để thăm chồng con rồi trở lên lại trường. “Dù nghèo khó nhưng dân bản rất quý giáo viên. Lâu lâu có được con cá suối ngon, mớ rau rừng tươi họ lại mang biếu. Hay mỗi lần gặp mưa rừng, đường lầy lội dân bản lại lội bộ giúp chúng tôi gùi cõng xe máy, nhu yếu phẩm vào tận bản… Tình cảm của bà con rất ấm áp nên tôi cũng như các giáo viên khác đều luôn tự nhủ phải nỗ lực hết mình dạy dỗ các em”, cô giáo Lê Thị Cát Tiên, giáo viên phụ trách lớp ghép lớp 1 và lớp 3 chia sẻ.

“Dù biết là thiệt thòi nhưng anh chị em mình luôn động viên nhau phải cố gắng hết sức để làm tròn sứ mệnh trao truyền con chữ cho các em. Tôi sắp nghỉ hưu rồi, nhưng cứ nghĩ đến lúc thôi dạy học chắc chắn sẽ nhớ bản làng, dân bản và các em học sinh nơi này nhiều lắm”, thầy giáo Hồ Văn Liêu, 58 tuổi, quê Vĩnh Linh-một trong những giáo viên có thâm niên “cắm bản” tâm sự.

Chúng tôi rời Tà Păng khi các thầy cô giáo vẫn đang miệt mài với sứ mệnh “trồng” người cao cả của mình. Từ những lớp học tạm bợ giữa núi rừng, tiếng ê a đọc bài của các em học sinh đều đều vọng lại. Nơi ấy, sẽ mãi đọng lại trong tâm trí chúng tôi về hình ảnh của những giáo viên “cắm bản” thầm lặng và ánh mắt khát khao con chữ của con em bản làng…

ĐỨC VIỆT