Đi qua lời nguyền
Thời điểm mới phát hiện, đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh là một nhóm người sống biệt lập trong rừng sâu, xa cách với thế giới bên ngoài. Từ rất nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, những hộ người Chứt đã được đưa ra khỏi rừng sâu, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài bằng những căn nhà kiên cố của khu tái định cư, bằng phương thức sản xuất, chăn nuôi mới, bằng việc học tiếng phổ thông, ốm đau đều đến trạm y tế để thăm khám…
Tôi đã rất đỗi ngạc nhiên về sự đổi thay khi đến bản Rào Tre. Nó khác xa so với những gì tôi đã mường tượng trước đó, khi ngồi trên xe để vào với bà con người Chứt. Trên con đường đất chạy xuyên qua bản là những dãy nhà tái định cư kiên cố tựa lưng vào dãy Ka Đay hùng vĩ. Quanh vườn, là màu xanh của những loại cây, là tiếng gà cục cục gọi bầy đến vui tai. Còn phía trước bản Rào Tre là những thửa ruộng lúa nước. Người dân bản Rào Tre đã biết cày, cấy, ươm mạ… cho những vụ mùa. Trong nhà của đồng bào, những chiếc ti vi, xe máy…bà con đã sắm sửa phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình.
Chị Hồ Thị Kiên, nữ trưởng bản người Chứt ở Rào Tre cười nói: Cuộc sống bà con đã thay đổi rất nhiều. Dân bản đã biết trồng sắn, trồng keo, trồng lúa nước, chăn nuôi gà, lợn… Rồi như không dấu nổi niềm vui, chị Kiên trải lòng: Những tập tục, tập quán lạc hậu như hôn nhân cận huyết cũng đang từng bước được xóa bỏ rồi đấy.
Theo lời trưởng bản Kiên, chúng tôi lần ngược lại quá khứ, khi người trẻ ở Rào Tre dưới chân núi Ka Đay bước qua "lời nguyền" để lập gia với một người ngoài bản. Cuối năm 2015, Hồ Thị Mỹ Duyên đã nên vợ chồng cùng chàng trai người Kinh là Nguyễn Đình Nhân.
Kể lại câu chuyện phải lòng cô gái người Chứt-Hồ Thị Mỹ Duyên, chàng trai người Kinh là Nguyễn Đình Nhân rạng rỡ: Trong một lần vào bản tham gia hoạt động Đoàn, em đã có cảm tình với Duyên. Nhưng khi tình yêu đủ lớn, thưa chuyện thì bố mẹ ái ngại vì chưa có ai kết hôn với người Chứt. Thế rồi qua những lần gặp gỡ cô con dâu tương lai, mọi thành viên trong gia đình đã ủng hộ chúng em. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng em sống hạnh phúc khi có cô con gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Chủ tịch UBND xã Hương Liên- Đinh Văn Sánh có lẽ cũng sẽ nhớ mãi những lần đi dạm hỏi cho con em đồng bào Chứt ở Rào Tre. Ông Sánh kể: Từ khi thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển đồng bào Chứt giai đoạn 2015 - 2020, đã có 7 người trẻ ở Rào Tre kết hôn ngoài bản rồi. Trong đó, 4 người kết hôn với người Kinh và 3 người kết hôn với người Chứt ở tỉnh Quảng Bình. Mấy trường hợp ở Quảng Bình, địa phương phải cử đoàn đi dạm hỏi đấy.
Một Đề án mang tính lịch sử
Trước đây, việc vận động bà con xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống trong thời gian dài gặp rất khó khăn. Do quen với lối sống biệt lập trong rừng sâu, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài còn hạn chế nên tình trạng con chị lấy con em, con dì lấy con cậu vốn dĩ rất bình thường. Để xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tuyên truyền nhưng vẫn không hiệu quả. Vì thế, những đứa trẻ sinh ra từ cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết thống thống đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật, ảnh hưởng đến nòi giống của người Chứt.
Trong rất nhiều những điều mới mẻ ở Rào Tre hôm nay thì điều đáng mừng nhất chính là một thế hệ người Chứt lớn lên khỏe mạnh nhờ xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống.
Từ khi tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển đồng bào Chứt giai đoạn 2015-2020, với sự đồng hành của chính quyền địa phương, sự trợ giúp của lực lượng Bộ đội Biên phòng, nhiều hoạt động kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt với thanh niên các dân tộc khác đã được tổ chức. Nhiều chính sách khuyến khích người Chứt kết hôn với dân tộc khác được hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới cũng là động lực góp phần xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống nơi đây.
Dẫu thế, Chủ tịch UBND xã Hương Liên - Đinh Văn Sánh vẫn không dấu hết nỗi lo khi tình trạng mất cân bằng giới tính ở bản Rào Tre đang cao. Theo ông Sánh, hiện tại, cứ 15 nam nhưng chỉ có 5 nữ nên cũng bộc lộ nhiều bất cập và tiềm ẩn hệ lụy. Ông Sánh nói: Để xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở người Chứt một cách bền vững, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thì cần phải đầu tư, hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất. Cụ thể, cần tăng thêm mức hỗ trợ cho những cặp vợ chồng mới kết hôn khi bước vào thực hiện giai đoạn 2 của Đề án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Đầu tư con đường nối bản Rào Tre đến bản Kè xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Con đường ấy, không chỉ để lưu thông hàng hóa giúp đồng bào phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện để bà con người Chứt 2 bản giao lưu, qua lại… từ đó hạn chế tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Rời Rào Tre vào buổi chiều muộn, khi ánh tà dương dần khuất sau dãy núi Ka Day, chúng tôi như vui hơn. Quả thực, trong rất nhiều những điều mới mẻ đã và sẽ đến, thì một thế hệ người Chứt mới đã lớn lên từ vùng đất ấy, khỏe mạnh hơn nhờ đã xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống.