Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giữ cho mạch nguồn chảy mãi

PV - 16:06, 29/08/2018

Chuyện ông Chu Tuần Ngân đứng ra dạy chữ Dao khiến cả bản cứ tấm tắc khen mãi: “Nó tốt thật đấy, nhờ nó mà con cháu Bản Pình và cả người Dao tận huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn)… đều được biết cái chữ tổ tiên”. Còn với ông Ngân, việc làm đó xuất phát từ việc chưa lúc nào ông thôi canh cánh những dự định hay, việc làm tốt để người Dao không quên nguồn cội.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Páo Dung thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Páo Dung thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Nhớ “chà phìn”…

“Chà phìn” là chữ đầu tiên thầy giáo Chu Tuần Ngân, thôn Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dạy các học trò. Tiếng Dao “chà phìn” có nghĩa là tổ tiên, gốc gác. Ông giải thích, người Dao phải nhớ đến “chà phìn” cũng như con chim rừng kiếm ăn không quên về tổ, lá cây rừng bao năm vẫn rụng về cội. Nhớ đến tổ tiên, nguồn cội thì con người mới lớn lên, trưởng thành được; sau này có chết, cái vía vẫn được tổ tiên nhận mặt không sợ đi lạc.

Ông Ngân dạy rất dễ hiểu, chính cách giảng giải, ví von rõ ràng như thế nên nhiều người thích học lắm. Tính đến nay, đã qua 8 mùa lúa, 6 mùa ngô, ông tự gắn mình với nghiệp truyền chữ. Ông bảo, đó là sự nối nghiệp thiêng liêng! Từ đời ông nội đến bố đều là thầy tạo (thầy cúng) thông thạo chữ Nôm Dao. Ngày đó, bản Pình có tục lệ truyền chữ cho trai làng chuẩn bị cấp sắc. Vào những ngày đầu xuân, gia đình ông lại bận rộn dạy chữ cho các học trò.

“Tục lệ truyền chữ” nay đã mai một. Giờ đây, lớp trẻ chỉ học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ giỏi mà không nhớ nổi mặt chữ của tổ tiên. Những kho sách lưu truyền bao đời chỉ nằm im trong hòm gỗ, nỗi lo thất truyền chữ nôm Dao khiến ông không khỏi lo lắng. Những trăn trở ấy thôi thúc ông lên UBND xã nộp đơn xin mở lớp dạy chữ. Được xã đồng tình ủng hộ, đôi chân, đôi tay ông như khỏe hơn, dẻo dai hơn. Ông bàn với vợ gấp gáp sửa sang lại căn nhà, lắp thêm bóng điện sáng; lội suối, sang bản bên nhờ đóng thêm mấy bộ bàn ghế. Bà Yến-vợ ông sốt sắng đạp xe lên tận huyện để phô tô sách, mua giấy, bút…

Nhìn vợ chồng ông tất tả chuẩn bị, người già trong bản ai nấy tích cực bảo ban con cháu đi học. Xưa kia người Dao sống trong rừng, không biết tiếng phổ thông thì phải học chữ để làm người. Giờ thạo tiếng Kinh rồi thì học lại tiếng mẹ đẻ. Cái gì không biết thì phải học. Cái bụng người Dao thật thà không dấu dốt bao giờ!

Vậy là, cứ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, Lợi cháu cụ Tiện, cái Hảo cháu cụ Bảo rồi cả mấy bạn trẻ Hợi, Đại, Lương…cũng đi học. Đại bảo, học chữ nôm Dao để biết lễ nghi, phép tắc, cách cư xử, đạo làm người; các bài thuốc cổ; gia phả nhiều đời, nguồn gốc tên người và làng mạc sinh ra nữa.

Sách học được thầy giáo Ngân dịch ra từ những cuốn sách cổ. Dẫu đối với ông đó là báu vật gia truyền nhưng ông sẵn sàng gửi tặng học trò.

Ông giải thích học chữ Nôm Dao không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác. Chứng kiến lớp trẻ đọc được sách, viết được chữ là lòng ông lại rộn ràng, hạnh phúc biết bao.

Lớp học dần dà thu hút nhiều người. Người Dao Chiêm Hóa, Hàm Yên, Bắc Kạn… cũng “gõ cửa” xin nhập học. Có những người ở xa đến, tranh thủ thời gian ông dạy liên tục để họ sớm hoàn thành khóa học. Anh Bàn Văn Nhiên năm nay đã 40 tuổi, nhưng vẫn lặn lội từ Bản Nà Rìa, Chợ Đồn (Bắc Kạn) sang tìm ông để học chữ Dao. Nhờ ham học hỏi, giờ đây anh đã trở thành thầy Tạo của bản Dao Nà Rìa. Anh bảo: “Trước đây tôi chỉ biết nói chứ không biết viết tiếng Dao, được theo học tôi càng thấy chữ của người Dao mình rất hay. Đây là kho tàng kiến thức để sau này còn truyền dạy cho con cháu”.

Ông Chu Tuần Ngân hướng dẫn cách đọc chữ Nôm Dao cho người Dao xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ông Chu Tuần Ngân hướng dẫn cách đọc chữ Nôm Dao cho người Dao xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

“Của hiếm” của bản

Ngay từ khi còn nhỏ Chu Tuần Ngân đã là “của hiếm” của bản Pình. Ông là người đầu tiên của bản biết chữ, đảng viên đầu tiên đảm nhận nhiều chức vụ từ cán bộ đoàn, xã đội trưởng đến Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã… Nay đã về hưu, bước sang tuổi 70 ông vẫn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Dù ở cương vị nào ông vẫn hết lòng vì việc làng, việc bản. Ví như việc làm thông tỏ tư tưởng bà con về tảo hôn, không cho đẻ nhiều, không thách cưới cao, giảm bớt lễ nghi trong ma chay cưới hỏi, cấp sắc…

Ông bảo: “Ban đầu nhiều người không nghe đâu. Có nhà làm đám cưới cho con trai hết hai con trâu, mổ thêm mấy con lợn nữa, chưa tính gà, vịt, gạo, rượu… Thế là tốn kém quá, lại làm tấm gương xấu cho nhà khác. Được góp ý thì từ người trẻ đến người già đều nhao nhao lên cãi lại. Ấy dà, đông người như thế sao nói được gì nữa! Dạy chữ nghĩa thì họ không cãi mình, còn chuyện cúng bái này thì chỉ tin lời thầy tạo, thầy cúng thôi”.

Không trách bà con được, xưa nay người Dao làm gì thì đều do các ông thầy đưa ra các lễ nghi, thủ tục thôi. Thế là ông Ngân đọc sách và bắt đầu nghiên cứu để học các bài cúng từ ngắn đến dài. Cái nghiệp làm thầy tạo, thầy cúng của ông bắt đầu từ những ý nghĩ đó. Dần dà, vừa làm thầy cúng giúp bà con, vừa chủ động cắt bỏ các lễ nghi rườm rà. Lâu lâu người Dao cũng quen và tin rằng: Tổ tiên bây giờ cũng chả thích cúng nhiều, nói lâu nữa. Con cháu chỉ cần thành tâm là được thôi. Ví như trước đây, đám cưới mất tới 3 ngày 3 đêm thì giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm; lễ cấp sắc trước phải mất tới 3 ngày 2 đêm giờ chỉ còn 1 ngày 1 đêm…

Chuyện hôn nhân cận huyết thống giờ chẳng còn nữa, chuyện tảo hôn bớt đi nhiều rồi. Hai năm trở lại đây bản Pình không có trường hợp tảo hôn. Con cháu bản Pình giờ được học nhiều, hiện nay cả bản đã có 5 người đã và đang học tại các trường cao đẳng, đại học trong nước.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa Dao, cách đây 4 năm ông viết đơn lên xã cho thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc thôn bản Pình, xã Trung Minh và Câu lạc bộ hát Páo Dung thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh. Mỗi câu lạc bộ có 40 thành viên, ông chịu trách nhiệm cố vấn, tức là giúp cho mỗi thành viên tập luyện thành thục các điệu múa, lời ca của dân tộc.

Không chỉ cần mẫn sưu tầm, ông còn tự đặt lời cho các giai điệu. Ông bảo, người Dao có câu: “Ruộng cũ cày sâu sẽ thành ruộng mới…”. Vậy là, những lời hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về vẻ đẹp của quê hương đang đổi thay từng ngày được ông sáng tác và đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh.

Nói được, làm được nên giờ đây mỗi câu nói ông có sức nặng như đá. Ở tuổi 70, nhiều người ví ông như cây cột vững chãi, người nào cần có thể dựa vào được. Liên tục mấy năm liền ông là Người có uy tín của bản làng. Nhiều năm liền ông vinh dự được dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu các tỉnh vùng Tây Bắc.

GIANG LAM

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.