Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giữ cho tiếng cồng chiêng ngân vang nơi núi Tản sông Đà

Chí Tín - Vũ Mừng - 07:05, 12/11/2023

Cồng chiêng theo các phường sắc bùa mang may mắn đến tận cửa mỗi nhà trong những ngày đón năm mới; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội, ngày mùa xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống; cồng chiêng gửi gắm ước nguyện ấm no ... Có lẽ vậy, mà mỗi người dân bản Mường ở Ba Trại luôn trân quý, giữ gìn để tiếng cồng, tiếng chiêng luôn ngân vang nơi bản làng

Xã Ba Trại đã thành lập 03 Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng với sự tham gia của gần 90 thành viên, trong đó phần lớn là hội viên Hội LHPN xã Ba Trại.
Xã Ba Trại đã thành lập 03 Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng với sự tham gia của gần 90 thành viên, trong đó phần lớn là hội viên Hội LHPN xã Ba Trại.

Cồng chiêng- tiếng lòng của người Mường 

Xã Ba Trại là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, TP.Hà Nội. Ba Trại có  khoảng 3.722 hộ, với 15 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 48%.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại chia sẻ, theo dòng lịch sử thì đồng bào dân tộc Mường sinh cơ, lập nghiệp trên đất Ba Vì từ hàng trăm năm nay. Dân tộc Mường có  bản sắc văn hóa rất phong phú, do vậy, sự hiện diện của họ, đã góp phần làm cho đời sống văn hóa của Ba Trại thêm sinh động, nhiều màu sắc.

 Đáng quý là, Ba Trại không phải là địa bàn vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc Mường sống hòa nhập cùng với dân tộc Kinh, nhưng bà con vẫn giữ gìn được những bản sắc  văn hóa truyền thống đặc sắc, từ phong tục, tập quán, trang phục, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực. Trong đó, cồng chiêng là nhạc cụ, được hình thành và khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật rồi được tiếp nối qua nhiều thế hệ. 

Người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng với việc sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình, do vậy cồng chiêng trở thành sản phẩm văn hóa sở hữu chung của cả một cộng đồng, có mặt trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa của người Mường. 

Người dân thôn 4 xã Ba Trại giới thiệu với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về bộ cồng chiêng được bảo tồn tại địa phương.
Người dân thôn 4 xã Ba Trại giới thiệu với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về bộ cồng chiêng được bảo tồn tại địa phương.

Cụ Đinh Công Yên, năm nay đã 80 tuổi, là một trong những bậc cao niên đã góp công rất lớn trong việc bảo tồn cồng chiêng của dân tộc Mường tại xã Ba Trại chia sẻ: “Với người Mường, cồng chiêng chính là điểm tựa tinh thần, là nhịp sống, là tiếng lòng giúp người Mường giao hòa với thiên nhiên. Bao đời nay, chúng tôi đã sáng tạo, lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác. Sức sống của văn hóa cồng chiêng là sức sống của cộng đồng, tồn tại với cộng đồng và không tách khỏi đời sống sinh hoạt của cộng đồng”.

Theo lời cụ Yên, ở Ba Trại, vào những ngày đầu năm mới, cồng chiêng theo các phường sắc bùa hay còn gọi xéc pùa (theo tiếng Mường nghĩa là sách cồng chiêng)  mang may mắn đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội, ngày mùa xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no... Những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường tại các bản, làng.

Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của người Mường ở xã Ba Trại, chú trọng cách luyến láy, có âm hưởng bản sắc độc đáo mang tính biểu cảm, sự chuẩn xác, giúp người nghe cảm nhận được nội dung trong từng giai điệu cồng chiêng. 

Để tiếng cồng chiêng vang mãi

Đối với người Mường nói chung, và đồng bào Mường ở Ba Trại nói riêng, di sản văn hóa cồng chiêng là một di sản văn hóa rất đặc biệt, vì vậy việc bảo vệ và phát huy là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc.

Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 – 2020 và cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hà Nội giai đoạn 2018 – 2021, Hội LHPN xã Ba Trại đã tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động tuyên truyền giữ gìn truyền thống tốt đẹp, để văn hóa cồng chiêng ngày càng lan tỏa trong đời sống.

Cụ Đinh Công Yên và bà Bạch Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại chia sẻ về các âm điệu trong bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường.
Cụ Đinh Công Yên và bà Bạch Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại chia sẻ về các âm điệu trong bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường.

Thành quả của những nỗ lực bảo tồn đó, đã góp phần giúp cộng đồng người Mường tại xã Ba Trại duy trì lưu giữ 05 bộ cồng chiêng. Để phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống, xã Ba Trại đã chỉ đạo và thành lập 03 Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng, với sự tham gia của gần 90 thành viên, trong đó phần lớn là hội viên Hội LHPN xã Ba Trại. 

Các bậc nghệ nhân của địa phương cũng tích cực truyền dạy lại những tiết tấu, âm hưởng của tiếng chiêng gồm chiêng đôi, chiêng chót và chiêng đối, khơi lại lời hát ví, hát đối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Mường. Nhiều năm trở lại đây, vươn ra khỏi đời sống gia đình, cồng chiêng xã Ba Trại đã đến gần hơn với công chúng, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật do địa phương tổ chức.

Dù vậy, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường tại xã Ba Trại cũng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn. Bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại cho biết, Nguyên nhân do địa bàn sinh sống xen kẽ giữa người Kinh và người Mường, sự giao thoa về ngôn ngữ tiếng nói ở các lớp thế trẻ không thường xuyên sử dụng, cũng dần bị mai một.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường ở Ba Trại, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương; cũng như sự chung tay của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân, thì chính chủ thể của văn hóa cồng chiêng cũng cần nỗ lực hơn nữa để giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa đặc sắc này cho lớp kế cận. 

Cồng chiêng của người Mường có cấu tạo núm ở giữa và được đánh bằng dùi. Cách chơi cũng khác, cồng của người Mường có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng, người tham gia đánh cồng chủ yếu là phụ nữ, mặc trang phục truyền thống gồm áo pắn, váy đen, bên trên thân váy còn có cạp váy là điểm nổi bật nhất trong bộ trang phục phụ nữ Mường, có họa tiết hoa văn độc đáo nhiều màu sắc sặc sỡ đan xen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng màu xanh lơ hoặc xanh dương có bộ sà tích bạc kèm theo....

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.