Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giữ gìn tiếng Việt ở xứ người

PV - 15:57, 15/05/2019

Từng làm giáo viên dạy môn Ngữ Văn tại TP. Hồ Chí Minh, cơ duyên đã đưa cô giáo Nguyễn Thị Liên đến với đất nước Malaysia và gắn bó với mảnh đất này đến tận hôm nay. Chị Liên đang phụ trách công tác dạy và học tiếng Việt cho con em người người Việt Nam tại đây.

Cô Nguyễn Thị Liên (ngoài cùng, bên trái) cùng các cô giáo và học sinh tại lớp học tiếng Việt ở Malaysia. Cô Nguyễn Thị Liên (ngoài cùng, bên trái) cùng các cô giáo và học sinh tại lớp học tiếng Việt ở Malaysia.

Chị Liên bắt đầu với công việc dạy tiếng Việt từ những lời đề nghị của bạn bè-những ông bố, bà mẹ dù đang sinh sống ở Malaysia nhưng rất coi trọng việc giữ tiếng Việt cho con cái họ. Ý tưởng mở lớp tiếng Việt cho cộng đồng chỉ bắt đầu từ một số thành viên tích cực của Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, điển hình là chị Trần Thị Chang. Nhận thấy sự tận tâm và trình độ chuyên môn của chị Liên, chị Chang đã thuyết phục chị đảm nhận công việc giảng dạy chính, đồng thời kiêm vai trò người tổ chức. Từ đó, họ đã cùng nhau tập hợp những người có khả năng và nhiệt tình để đề ra phương án thực hiện.

“Vạn sự khởi đầu nan”, các chị trong nhóm phụ nữ tình nguyện đều động viên nhau tìm cách khắc phục. Chị Liên kể, ban đầu khi chưa có phòng học, chị Trúc Linh trong nhóm đã đồng ý cho mượn phòng khách của gia đình để làm lớp học. Họ còn mời thêm một giáo viên tình nguyện nữa tham gia nhóm nên lớp học có tới 2 giáo viên chính và 6 cô trợ giảng.

Vào ngày 16/10/2016, lớp tiếng Việt cho con em người Việt tại Malaysia chính thức được khai giảng. Dù có thiếu thốn nhiều trang thiết bị, nhưng lớp học đi vào hoạt động đều đặn tuần một buổi với 2 lớp, chia theo 2 trình độ, mỗi lớp có khoảng 10 học sinh. Điều đáng mừng là các phụ huynh đều rất ủng hộ lớp học. Họ không quản đường xa, đổi lịch học của con, đưa con tới lớp và ngồi chờ con học...

Đúng vào dịp Kỷ niệm tròn một năm ngày khai giảng, lớp học tiếng Việt đã được chuyển đến nơi học mới tốt hơn. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã trang bị bàn ghế, bảng... trong phòng tiếp dân để nơi đây được sử dụng như một phòng học vào cuối tuần.

Chị Liên tâm sự: “Lớp học tiếng Việt là nơi có rất nhiều niềm vui. Ở đó, các câu chuyện nếu được chăm chỉ ghi lại chắc có thể in thành một cuốn sách. Ngày khai giảng cũng là một kỷ niệm với nhiều lo toan thú vị, không giống như bất kì một lễ khai giảng nào trước đây của tôi”.

Hiện tại, lớp tiếng Việt đang hoạt động ổn định và luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia cũng như một số cá nhân và các phụ huynh. Đặc biệt, lớp học này đã hoàn thiện hơn trong khâu tổ chức, lịch học được bố trí lại, các cô giáo phụ trách công việc đứng lớp, các cô trợ giảng giúp đỡ mỗi khi lớp có tiết mục biểu diễn văn nghệ hoặc dã ngoại...

Từ lớp học tạm ở một phòng khách gia đình, đến nay lớp học ấy đã được trang bị máy chiếu cũng như các thiết bị âm thanh để giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn. Giờ đây, cô giáo Liên và các đồng nghiệp của mình có thể mang vào mỗi giờ học những hình ảnh, câu chuyện tràn ngập màu sắc... để các em nhỏ hiểu hơn về quê hương đất nước và cội nguồn của mình.

TRỌNG VŨ

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.