Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào vùng cao

PV - 14:17, 28/05/2019

Nhiều năm nay, ông Hồ Huôn, 63 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) luôn duy trì nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Mục đích của việc duy trì nghề với ông không chỉ là để cải thiện đời sống gia đình mà còn để truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu, dân làng giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Bất kể ngày mưa hay nắng, bà con dân bản La Trọng luôn thấy ông Hồ Huôn ngồi trên nhà sàn miệt mài với việc chẻ nan, đan lát, các sản phẩm ông thường làm bao gồm Cu Tôốc (mâm cơm), A Chói (gùi), Cà Nhăng (gùi nhỏ), Típ (giỏ nhỏ đựng cơm), Cù Pá (giỏ đựng cá)… các sản phẩm ông làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu bà con dân bản, các xã kế bên mà còn được nhiều người ở TP. Đồng Hới tìm đến đặt hàng thường xuyên để mang đi bán khắp nơi.

Ông Hồ Huôn cho biết, năm lên 10 tuổi, ông đã được cha chỉ dạy cho nghề đan lát, tuy nhiên mãi đến năm 20 tuổi sau khi lập gia đình ông mới bắt đầu làm ra những sản phẩm đầu tiên. Ngày trước, các vật dụng trong gia đình đều được đan lát thủ công, từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia, cái gùi nên nhà nào cũng có người biết đan. Hết vụ lên nương rẫy, nhà nhà lại đi rừng tìm tre, nứa để đan lát. Người già chỉ dẫn cho người trẻ…

 Ông Hồ Huôn giới thiệu về chiếc Cu Tôốc. Ông Hồ Huôn giới thiệu về chiếc Cu Tôốc.

Bà con đồng bào các xã Dân Hóa, Trọng Hóa từ xưa có rất nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó, đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời. Và trong các sản phẩm đan lát của đồng bào nơi đây thì gùi (tiếng địa phương là A Chói) thuộc loại sản phẩm đặc sắc nhất. Gùi được dùng như một phương tiện vận chuyển rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Khùa (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) nói riêng và các dân tộc khác ở Minh Hóa nói chung. Ngoài chiếc gùi thì Cu Tôốc là sản phẩm đặc trưng thứ hai, mỗi gia đình của đồng bào đều có từ hai cái Cu Tôốc để sử dụng.

Chỉ vào những chiếc Cu Tôốc đã đan xong đặt ở góc nhà chuẩn bị giao cho khách, ông Hồ Huôn giới thiệu với chúng tôi: Cu Tôốc thường được ông đan theo hai kích cỡ và kiểu dáng, một loại to và một loại nhỏ hơn. Tùy nhu cầu sử dụng của khách hàng. Hoàn thành mỗi chiếc Cu Tôốc phải mất hơn 10 ngày, đó là chưa tính ngày đi rừng để lấy vật liệu. Nếu có sức khỏe tốt, kiên trì ngồi đan thì mỗi tháng sẽ làm được 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm bán được 1 triệu đồng. Bình quân mỗi năm ông Hồ Huôn cũng chỉ làm được 8-10 chiếc Cu Tôốc, vài chục chiếc Cà Nhăng... sản phẩm làm ra đều bán được hết, đặc biệt là trong ngày chợ phiên ở Y Leng, xã Dân Hóa.

Theo ông Hồ Huôn, để đan được bất kỳ sản phẩm nào, thì việc chọn và khai thác nguyên liệu vô cùng quan trọng. Bà con phải mất cả tuần đi rừng kiếm tre nứa. “Phải chọn cây không quá già cũng không quá non mới có thể đan được. Bởi nếu tre nứa già quá, nan sẽ bị giòn, dễ gãy; còn nếu non quá thì nan sẽ bị teo lại”. Thời gian đan một chiêc A Chói (gùi to) phải mất 1 tuần, còn đan chiếc Cà Nhăng (gùi nhỏ) thì chỉ mất hai ngày. Gùi đựng đồ của người Khùa, không chỉ là vật dụng để cất giữ hay vận chuyển hàng hóa, mà còn là tài sản được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc được dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình.

Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, khiến cho nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Thế nhưng, trước sự phát triển mạnh mẽ ấy, vẫn còn những con người như ông Hồ Huôn bằng sự đam mê, tâm huyết với các sản phẩm đan lát đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa truyền thống quê hương.

Để những người đan lát thêm gắn bó với nghề, cũng như để các làng nghề truyền thống của đồng bào phát triển ổn định và bền vững, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, qua đó vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Những năm gần đây, nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Thế nhưng, trước sự phát triển mạnh mẽ ấy, vẫn còn những con người như ông Hồ Huôn bằng sự đam mê, tâm huyết với các sản phẩm đan lát đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa truyền thống quê hương...

THÙY LINH

Tin cùng chuyên mục
"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

Những quả đồi đất đá khô cằn ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tưởng chừng như không trồng được loại cây gì, thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư trồng cây dứa. Thấy dứa phát triển tốt, họ mạnh dạn mở rộng diện tích, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng.