Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Gỡ điểm nghẽn để hút khách quốc tế

PV - 16:35, 13/03/2023

Sau 1 năm mở cửa trở lại du lịch, các hoạt động du lịch đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ với sự tăng trưởng mạnh mẽ du lịch nội địa, tuy nhiên thu hút khách quốc tế khá ì ạch.

Du khách quốc tế tham quan tại chùa Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang
Du khách quốc tế tham quan tại chùa Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang

Khách nội địa phục hồi mạnh

Thành công nhất là sự phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ của du lịch nội địa. Nhìn nhận tổng thể về du lịch sau 1 năm mở cửa trở lại, Tổng cục Du lịch đánh giá, thị trường du lịch năm 2022 đã dần khôi phục trở lại, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đạt hơn 101 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau 1 năm, khoảng 90% các cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú; 70% cơ sở dịch vụ ăn uống, vận chuyển… đã hoạt động trở lại. “Dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã hồi sinh sau gần 2 năm “tê liệt”. Là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch phục hồi cũng đã kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển theo”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hội Du lịch Việt Nam đánh giá.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương cho biết: Khi bước vào giai đoạn bình thường mới, trong đó có mở cửa trở lại hoạt động du lịch thì năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011 - 2022.

“Mặc dù đã qua thời kỳ cao điểm khó khăn của COVID-19, song hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, hành vi mua và thói quen tiêu dùng của người dân. Sự thay đổi hành vi tiêu dùng cũng có những tín hiệu tích cực về mặt kinh tế – xã hội. Đó là cơ hội và là động lực để doanh nghiệp nắm bắt phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và có lợi nhuận nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, trong lĩnh vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là nhu cầu đi lại, du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.

Du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt đối với du lịch nội địa đã kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch. Đó là các ngành dịch vụ thị trường đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung. Cùng với đó, cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty CP quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam cho biết, việc Việt Nam mở cửa nền kinh tế mở cửa đã kịp thời cứu nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp được sống lại từ từ. Theo đó, nếu năm ngoái, Việt Nam mở cửa chậm chút nữa, có thể họ buộc nhiều doanh nghiệp phải phá sản. Hiện nay, tình hình kinh doanh đã khả qua hơn. Riêng ngành quảng cáo - tổ chức sự kiện dù chưa hồi phục được 100% so với trước đại dịch nhưng cũng đạt từ 70 - 80%. Năm 2023 kỳ vọng sẽ bứt phá, lấy lại phong độ như khi chưa có dịch.

Nới quy định đón khách quốc tế

Việc mở cửa trở lại du lịch Việt Nam từ 15/3/2022 là sớm so với các nước trong khu vực để đón đầu cơ hội. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% kế hoạch. Trong khi Thái Lan đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, Singapore đón 6,3 triệu khác quốc tế, Indonesia đón 5 triệu lượt khách quốc tế… Các nước trên đều vượt mục tiêu đề ra.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như thị trường nguồn Đông Bắc Á chiếm tới 60% chưa được mở cửa, ảnh hưởng chiến sự Nga – Ukraina… Tuy nhiên, về mặt chủ quan, các doanh nghiệp đón khách quốc tế tại Việt Nam đều cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất với đón khách quốc tế trong thời gian qua là việc cấp thị thực nhập cảnh (visa) còn chưa thông thoáng so với các nước trong khu vực.

Ông Lê Công Năng, Giám đốc Wondertour cho biết: Dù Việt Nam mở cửa từ sớm nhưng lại về sau cùng trong khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm quốc gia phục hồi chậm nhất về khách quốc tế là điều vô cùng đáng tiếc. Khi chủ động mở cửa du lịch sớm từ 15/3/2022, trên ván cờ du lịch chúng ta thắng 1 nước cờ nhưng thua cả ván. Khi mở cửa du lịch chúng ta đã giải tỏa được nhu cầu du lịch của người dân đã bị nén trong hơn 2 năm nhưng lại không truyền thông đủ mạnh cũng như chiến lược sản phẩm dành riêng cho khách quốc tế. Thành công lớn nhất trong 1 năm qua là du lịch nội địa với sự tăng trưởng mạnh mẽ với việc công ty du lịch, khách sạn đồng loạt tung ra các chương trình du lịch giá thấp – mang tính “giải tỏa.

Theo Tổng cục Du lịch, về chỉ số phục hồi du lịch năm 2022 so với năm 2019, Việt Nam đạt 18,1%, đứng thứ 7, gần như thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Còn trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu khách quốc tế, phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch hai tháng ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá về nguyên nhân chưa hấp dẫn khách quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Việt Nam đang có sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế: Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.

Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đế 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Đơn cử, Thái Lan triển khai chương trình mở cửa với Thị thực Du lịch Đặc biệt Thái Lan (STV) dành cho khách lưu trú dài ngày, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày… Trong khi Việt Nam chỉ miễn thị thực có 15 ngày.

Bên cạnh đó, còn một số điểm "yếu", điểm "nghẽn" của ngành du lịch, như việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch còn chậm; cơ cấu thị trường khách chưa thực sự phù hợp; hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc liên kết phát triển du lịch mới ở bước đầu, nhiều nội dung chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên nên chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp… Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch cục bộ sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh.

Do đó, để đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao Du lịch đã đề xuất, cần áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ; Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam; Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong xúc tiến quảng bá du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Ngành Du lịch và các địa phương tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng.

Các địa phương xây dựng mô hình liên kết điểm trong đó có thể tạo liên kết giữa nhóm địa phương có nhu cầu, thuận lợi liên kết; mời các cơ quan quản lý nhà nước tham gia điều phối, đồng hành, tạo kết nối để triển khai các chương trình liên kết; có sự tham gia của doanh nghiệp lớn, tạo nguồn lực triển khai các chương trình, hoạt động liên kết cụ thể.

Chất lượng dịch vụ du lịch liên quan nhiều đến nguồn nhân lực, do đó, các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung mới đảm bảo đủ nguồn nhân lực thiếu hụt do việc chuyển việc, thôi việc thời gian vừa qua; chú trọng ưu tiên tuyển dụng, đào tạo nhân sự là người dân địa phương; Tăng cường liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo trong đào tạo nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cũng như hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số cho người lao động. Thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa các địa phương trong cùng khu vực, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế…

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Hiện nay mong muốn nhất của doanh nghiệp du lịch là Nhà nước khôi phục đầy đủ và thực thi tốt các chính sách du lịch đã có từ năm 2019, nhất là làm tốt, nhanh và minh bạch cấp visa điện tử theo đúng chỉ đạo Thủ tưởng Chính phủ trong hội nghị bàn giải pháp thu hút khách quốc tế tổ chức vào đầu năm 2023. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp hình thành các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng theo hướng sản phẩm du lịch du khách cần chứ không phải những thứ ta đã có sẵn.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Ngày 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Ngày hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi.