Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Gỡ khó để phát triển “cây làm giàu” ở miền núi

Sỹ Hào - 10:43, 13/04/2024

Do vướng các quy định của Bộ Y tế, một số cây được liệu có giá trị kinh tế cao ở khu vực miền núi đang gặp khó trong khâu xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển “cây làm giàu” của miền núi, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát, điều chỉnh kịp thời.

Gỡ khó để phát triển “cây làm giàu” ở miền núi
Những vướng mắc trong ngành dược liệu nói chung, hoạt động xuất khẩu dược liệu nói riêng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ trong dự án Luật Dược (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Ngày 10/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số số 35/CĐ- gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu. 

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. 

Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định; việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4/2024.

Trở lại thời điểm năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 48/2018/TT-BYT về Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, nhiều mặt hàng như tỏi, gừng, hành, sả; các loại tinh dầu quế, cam, chanh, sả… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự như dược liệu.

Tới đây sẽ còn có thêm những sản phẩm tinh dầu khác như nghệ tỏi, hồi… hiện đang được xếp vào “tinh dầu khác” thuộc Phụ lục 2 của Thông tư số 48/2018/TT-BYT. Nếu không có quy định rõ ràng, rất có thể khi xuất khẩu các sản phẩm này làm thực phẩm, đồ uống - tức sản phẩm thông thường, nhưng lại áp quy định xuất khẩu làm thuốc, đồng nghĩa chi phí, thủ tục sẽ gia tăng".
Hoàng Thị Liên
Chủ tịch VPA

Cụ thể, khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan Hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp (DN) xuất trình giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải đáp ứng một loạt tiêu chí về nhà xưởng, phương tiện, thiết bị chế biến, điều kiện vệ sinh, trình độ nhân viên… theo quy định của Thông tư 35/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trong khi sản phẩm tinh dầu quế chủ yếu chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, vệ sinh nhà cửa… Việc quản lý như vậy là không cần thiết và gây khó khăn cho DN.

Sau nhiều lần kiến nghị, Bộ Y tế đã gỡ vướng cho DN bằng cách cho phép DN được khai báo theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, Bộ Y tế lại yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu khai báo theo mã HS 3301.29.10 (mã HS của nhóm tinh dầu quế, sả, gừng…) phải thực hiện theo quy định pháp luật về dược.

Gỡ khó để phát triển “cây làm giàu” ở miền núi 2
Quế là cây làm giàu cho nhiều địa phương miền núi, nhưng sản phẩm tinh dầu từ quế hiện đang khó xuất khẩu vì quy định của Bộ Y tế.

Vì quy định này, nhiều mặt hàng tinh dầu lại quay trở lại tình trạng “mắc” như giai đoạn trước đó. Gặp khó trong xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các DN mà còn tác động đến thu nhập của người dân, đến kết quả giảm nghèo của các địa phương.

Đơn cử như cây quế - cây trồng chủ lực giảm nghèo ở nhiều địa phương miền núi, năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế. Năm 2023, Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần thương mại quế toàn cầu. Nhưng bị siết chặt bởi quy định pháp luật về dược nên hiện có hàng trăm tấn tinh dầu quế không thể xuất khẩu.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPA) cho thấy, vùng nguyên liệu 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu quế. Ước tính hết vụ quế mùa xuân năm nay (hết tháng 4/2024) sẽ tồn kho thêm khoảng 400 tấn. Với giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn, như vậy sẽ có hàng trăm tỷ đồng giá trị tinh dầu quế đang “tắc nghẽn”.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA, tinh dầu quế chủ yếu được ép từ lá, thân cành nhỏ khi bà con cắt tỉa hàng năm để cho cây lớn. Đây là sản phẩm phụ thu đi kèm, không đủ điều kiện làm nhóm đầu vào của ngành dược. Thế nhưng, các DN lại phải tuân thủ theo quy định xuất khẩu dược liệu. Đây chính là vướng mắc khiến ngành sản xuất tinh dầu quế đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

Không chỉ tinh dầu quế, với cơ chế hiện nay, trong tương lai nếu xuất khẩu các sản phẩm tinh dầu có chiết xuất từ cây gia vị như cây chanh, cây gừng, cây tiêu… thì đều là nhóm tinh dầu và phải thực hiện theo quy định của của Thông tư số 48/2018/TT-BYT. Với những vấn đề vướng mắc, chồng lấn về mặt quản lý nhà nước rất cần xem xét rà soát và điều chỉnh để thúc đẩy phát triển vùng trồng dược liệu ở khu vực miền núi.

Dược liệu quý được xác định là cây trồng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì thế, trong Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, phát triển vùng trồng dược liệu quý là một nội dung đầu tư, hỗ trợ quan trọng nhằm thúc dẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch

Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch

Sau gần một thế kỷ giải phóng, xây dựng và phát triển, từ mảnh đất được coi là “địa ngục trần gian” của thế kỷ XX, Côn Đảo đã trở thành “thiên đường du lịch” giàu có, là điểm đến linh thiêng của khách thập phương trên toàn thế giới.