Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gỡ vướng trong công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rác thải sinh hoạt

Toàn Thắng - 08:07, 18/05/2024

Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhận định, phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng sẽ là vấn đề khó khăn trước mắt ngay ở cả thành thị lẫn nông thôn...

Sáng ngày 17/5/2024, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Toàn cảnh buổi Diễn đàn
Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Tạo bước đột phá trong cải thiện vấn đề ô nhiễm từ rác thải

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải, cũng như lãng phí tài nguyên ở Việt Nam.

Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

 Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chủ trì diễn đàn.
Ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội nước sạch & Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cùng chủ trì Diễn đàn.

"Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng cũng là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn, TS. Nguyễn Linh Ngọc nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Thành Lam, Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, tình hình phân loại chất thải rác thải sinh hoạt (CTRTSH) còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công. Sau khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại CTRSH. Điển hình tại một số địa phương như ở Miền bắc: Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng. Miền Trung-Tây Nguyên: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng. Miền Nam có: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội phát biểu tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và cácvăn bản hướng dẫn thực hiện; trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tại Diễn đàn, ông Lê Hải Bằng, Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom và cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, định mức về công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty môi trường. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những hướng dẫn chung, xây dựng bộ phận riêng thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Phân loại rác tại nguồn-giải pháp khả thi

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lưu Tấn Tài,  Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là thành phố trên sông, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều vướng mắc và khó khăn, hạn chế. Hiện nay, Sở Tài nguyên & môi trường TP. Cần Thơ đang tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quy định về việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Dự kiến là trong tháng này sẽ được thông qua hội đồng thẩm định để ban hành.

 "Từ năm 2017, Thành phố đã có văn bản hướng dẫn phân loại rác thải làm 3 nhóm. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện thí điểm tại 4/9 quận, huyện của Thành phố nên có những cái hạn chế về nhận thức của người dân. Nếu mà lồng ghép việc phân loại rác tới từng gia đình mà chia thành 4-5 loại, thì người dân cũng kêu ca để trong nhà nhiều thùng đựng thế thì không có chỗ", ông Lưu Tấn Tài cho hay.

Không chỉ khó khăn với các địa phương, ngay cả với những đơn vị thực hiện thu gom rác cũng có những vướng mắc trong quá trình triển khai. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Lân,  Đại diện Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương cho biết: Với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, là rác thải chưa phân loại, không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu.

Ngoài những khó khăn vướng mắc của các địa phương, thì trong thời gian qua một số tỉnh, thành phố đã có những mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ  Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng cho rằng,  với niềm tin phân loại rác tại nguồn là giải pháp khả thi, là điều cần làm, phải làm; đặc biệt phải kiên trì và bằng nhiều cách, vừa làm vừa tìm hòi ra cách làm hay....thì chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công,

Thạc sĩ Huyền cho hay, theo lộ trình UBND TP. Hải Phòng đề ra, phấn đấu đến ngày 31/10/2024, cơ bản 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện toàn thành phố hoàn thành và tiếp tục duy trì công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Năm 2025, Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát tối cao lĩnh vực môi trường

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, trên cơ sở các tham luận của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: Các tham luận trong diễn đàn đều đưa ra được bối cảnh, sự chuẩn bị cùng những khó khăn, vướng mắc trong việc phân loại RTSH tại nguồn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, ngay khi Luật Bảo vệ môi trương 2020 có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền, giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát và báo cáo về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện phân loại CTRTSH tại nguồn

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã thực hiện một nghiên cứu bài bản về việc chuẩn bị của 63 tỉnh, thành trong công tác thực hiện việc phân loại . Trong đó, Ủy ban đã chọn ra hơn 10 tỉnh thành để đi khảo sát thực tế, sau đó đưa ra những báo cáo chi tiết của từng tỉnh và tổ chức phiên giải trình kết quả.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, dự kiến trong năm 2025, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác phân loại CTRTSH tại nguồn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, việc phân loại rác thải tại nguồn và công tác quản lý nhà nước về việc này vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh những nội dung các diễn giải đã trình bày, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đã trình bày một số nội dung với mong muốn nhận được sự tham mưu, đóng góp ý kiến của các diễn giả tham dự Diễn đàn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, những ngày qua, tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đã có mưa to đến rất to, gây lũ quét, lũ ống, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện hai địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.