Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Góc khuất từ những căn “nhà tình thương” ở Đăk Tô: Nhiều vấn đề cần làm rõ từ báo cáo của UBND huyện Đăk Tô (Bài 6)

Ngọc Chí - 7 giờ trước

Sau khi báo Dân tộc và Phát triển có loạt bài phản ánh: Góc khuất từ những căn “nhà tình thương” ở Đăk Tô, UBND huyện Đăk Tô đã có báo cáo số 153, ngày 13/5/2025 gửi UBND tỉnh Kon Tum báo cáo “kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc báo chí phản ánh”. Tuy nhiên, nhiều nội dung của báo cáo đã khác so với báo cáo trước đây của chính UBND huyện Đăk Tô về vụ việc. Rất nhiều câu hỏi đặt ra cần các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề.

Lán trại bằng tôn mới được dựng lên tại khu vực đất mà người dân ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã chuyển nhượng
Lán trại bằng tôn mới được dựng lên tại khu vực đất mà người dân ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã chuyển nhượng

Ai là người nhận chuyển nhượng đất rẫy?

Theo báo cáo số 102, ngày 31/3/2025 của UBND huyện Đăk Tô “Báo cáo kết quả xử lý, giải quyết đơn tố cáo của cộng đồng dân cư thôn Tê Pen, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô” của UBND huyện Đăk Tô gửi các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum thì có 09 hộ xây dựng xong nhà, đưa vào sử dụng, đã chuyển nhượng đất rẫy cho bà Y Phím và bà Nguyễn Thị Kim Thảo, với diện tích khoảng 11 ha.

Nhưng, theo báo cáo số 153, ngày 13/5/2025 của UBND huyện Đăk Tô “báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc báo chí phản ánh”, hiện nay có 7 hộ được bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím hỗ trợ xây dựng nhà ở đã chuyển nhượng đất rẫy, diện tích khoảng 10,3 ha. “Bà Y Phím là người nhận chuyển nhượng đất rẫy của các hộ dân, bà Nguyễn Thị Kim Thảo không liên quan và không phải là người nhận chuyển nhượng đất rẫy của các hộ dân”. Như vậy, báo cáo số 153 đã thay đổi về “về người nhận chuyển nhượng đất rẫy” so với báo cáo số 102 của chính UBND huyện Đăk Tô.

Chưa trả đủ tiền mua đất nhưng vườn cây bạch đàn của anh Lương Ngọc Phương đã bị người mua chặt hạ
Chưa trả đủ tiền mua đất nhưng vườn cây bạch đàn của anh Lương Ngọc Phương đã bị người mua chặt hạ

Tuy nhiên, theo nguồn tin phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tiếp nhận được từ người dân thì bà Nguyễn Thị Kim Thảo có nhận chuyển nhượng đất rẫy của người dân ở xã Đăk Trăm. Hộ này chuyển nhượng đất rẫy thì không được hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”, nhưng vị trí đất chuyển nhượng thì cũng ở gần với vị trí đất của các hộ được hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” đã chuyển nhượng.

Ông Lương Ngọc Phương, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2023, tôi có đồng ý bán cho bà Nguyễn Thị Kim Thảo 1,5 ha đất đang trồng cây bạch đàn với giá 120 triệu đồng (đất chưa có giấy tờ nên chỉ mua 80 triệu đồng/1ha). Hợp đồng mua bán thì họ cầm hết, sau đó bà Thảo trả tiền cho tôi nhiều lần với tổng số tiền 45 triệu đồng, sau đó không trả nữa, tôi gọi điện liên tục thì ngày 6/5/2025 bà Thảo có viết giấy hẹn sẽ trả tiền cho tôi. Nhưng đến nay quá hẹn rồi vẫn không thấy trả.

“Diện tích đất mà tôi bán là đang trồng cây bạch đàn, việc mua bán chưa xong, chưa trả đủ tiền nhưng mà họ đã chặt hết cây bạch đàn của tôi trồng. Tôi hỏi thì họ bảo chặt hết cây thì mới làm sổ đỏ được”, ông Lương Ngọc Phương cho biết thêm.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Đăk Tô thì diện tích đất rẫy các hộ chuyển nhượng không lớn, chủ yếu là đất đồi, triền dốc, trồng mì nhiều năm nay đất đã bạc màu, sử dụng kém hiệu quả.

Tuy nhiên, theo người dân cho biết thì có một số diện tích trước đây người dân trồng sắn, một số đất để trống phục hồi sau nương rẫy và diện tích chuyển nhượng rất lớn. Đặc biệt, một số diện tích đã được người dân trồng rừng (cây bạch đàn) từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Vậy, ai là người nhận chuyển nhượng đất rẫy của các hộ dân ở xã Đăk Trăm. Diện tích đất đã chuyển nhượng có thực như báo cáo. Đó có phải là đất lâm nghiệp hay không. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum?

Liệu có sự “đánh tráo khái niệm”?

Cũng theo báo của UBND huyện Đăk Tô thì trong 7 hộ dân chuyển nhượng đất rẫy chủ yếu lấy tiền chuyển nhượng để phát triển kinh tế gia đình, mua rẫy mới gần nhà hơn và dành một phần tiền nhỏ để đối ứng xây nhà; việc chuyển nhượng đất rẫy không phải vì mục đích để lấy tiền đối ứng xây nhà.

Thực hư vấn đề này như thế nào?

Chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2023, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có 7 người con nên khi nghe được hỗ trợ 90 triệu đồng xây dựng nhà, hỗ trợ nội thất trị giá 10 triệu đồng rất mừng. Sau đó, để có tiền đóng tiền đối ứng thì tôi bán 1,2 ha đất rẫy đang trồng cây bạch đàn với giá 96 triệu đồng thông qua bà Y Phím. Bà Y Phím lấy 50 triệu đồng (bảo là đối ứng làm nhà 35 triệu, 10 triệu là chặt cây bạch đàn, còn lại tiền đi làm hồ sơ). Nhưng bà Y Phím làm căn nhà dang dở rồi dừng, không làm nữa. Cuối năm 2024, cà phê có giá tôi bán lấy tiền và tự mua thêm vật liệu, thuê thợ làm hoàn thiện căn nhà.

Chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm bán 1,2 đất rẫy đang trồng cây bạch đàn với giá 96 triệu đồng và đóng 50 triệu đồng cho Y Phím nhưng đổi lại là căn nhà dang dở và chị tự bỏ thêm tiền để hoàn thiện. Nhưng báo cáo của UBND huyện Đăk Tô cho rằng người dân chỉ dành một phần tiền nhỏ để đối ứng xây nhà
Chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm bán 1,2 đất rẫy đang trồng cây bạch đàn với giá 96 triệu đồng và đóng 50 triệu đồng cho Y Phím nhưng đổi lại là căn nhà dang dở và chị tự bỏ thêm tiền để hoàn thiện. Nhưng báo cáo của UBND huyện Đăk Tô cho rằng người dân chỉ dành một phần tiền nhỏ để đối ứng xây nhà

Anh A Phú, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2023, nghe bà Y Phím nói được hỗ trợ 90 triệu làm nhà và gia đình thống nhất đối ứng 35 triệu. Khi bắt đầu làm nhà thì bà Y Phím bảo đã đi đo đất rẫy của gia đình, đất đó chưa có giấy tờ nên bán 1,5 ha được hơn 80 triệu. Sau đó bà Y Phím đưa lắc nhắc nhiều lần được hơn 30 triệu, còn khoảng 50 triệu thì cấn vào tiền đối ứng.

Chỉ riêng hộ chị Y Lan và hộ anh A Phú thì đã đóng tiền đối ứng làm “nhà tình thương” hơn một nửa số tiền bán đất rẫy. Nhưng, UBND huyện Đăk Tô báo cáo người dân bán đất chỉ dành một phần tiền nhỏ để đối ứng xây nhà.

Vậy, số tiền khoảng 50 triệu đồng đối với các hộ đồng bào DTTS là nhỏ hay không nhỏ. Số tiền bao nhiêu là nhỏ. Hay là báo cáo của UBND huyện Đăk Tô đang cố tình “đánh tráo khái niệm”. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum?

Vẫn còn nhiều “nhà tình thương” ở các xã khác

Theo nguồn tin của phóng viên, sự việc hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” không chỉ diễn ra ở xã Đăk Trăm mà còn ở các xã khác của huyện Đăk Tô, như: Xã Ngọc Tụ có 3 hộ, xã Văn Lem có 2 hộ, thị trấn Đăk Tô có 2 hộ… Điểm chung là việc hỗ trợ làm “nhà tình thương” đều do các cá nhân làm việc trực tiếp với các hộ gia đình, không thông qua chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, qua rà soát, kiểm tra trên địa bàn xã có 3 hộ gia đình tại thôn Đăk Nu được bà Y Phím hứa hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”. Mỗi hộ đóng tiền đối ứng và tiền làm hồ sơ là 39 triệu đồng nhưng chỉ làm phần móng và xây tường rồi dừng. Hiện nay, có 2 hộ đã bỏ thêm tiền để tự hoàn thiện nhà, đưa vào sử dụng; 1 hộ do chưa có tiền nên vẫn đang để dang dở. Số tiền đối ứng là tiền hộ gia đình tự bỏ ra và vay mượn người thân.

Chị Y Thuyên, thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô trước căn “nhà tình thương” dang dở mà bà Y Phím hứa hẹn hỗ trợ
Chị Y Thuyên, thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô trước căn “nhà tình thương” dang dở mà bà Y Phím hứa hẹn hỗ trợ

Chị Y Thuyên (chồng là A La Đi), thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2024, bà Y Phím nói sẽ hỗ trợ cho gia đình 90 triệu đồng để làm nhà, 10 triệu để mua đồ nội thất trong gia đình. Gia đình đưa cho bà Y Phím 35 triệu đồng tiền đối ứng và 4 triệu đồng tiền làm hồ sơ. Sau đó, họ chỉ xây phần móng, tường và dừng luôn đến nay. Gia đình đã nhiều lần liên lạc với bà Y Phím song bà Y Phím cứ hứa hẹn. Hiện nay gia đình không có khả năng hoàn thiện nhà.

Vậy, việc hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” còn diễn ra ở những xã nào của huyện Đăk Tô nữa không. Tại sao việc hỗ trợ không thông qua xã. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum?