Khác với những sản phẩm gốm có sự giao thoa của văn hoá phương Đông và phương Tây, gốm Chu Ðậu là gốm Đạo, có họa tiết thuần Việt in đậm dấu ấn trên sản phẩm mang giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo. Hoa văn trang trí gốm rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, đến nét bút phóng khoáng và điêu luyện nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt về giá trị thẩm mỹ. Hầu hết trên các sản phẩm của gốm Chu Đậu đều lấy hoa sen làm hoa văn chủ đạo cho các họa tiết trên gốm. Chủ yếu là các họa tiết hoa văn từ đời Trần được các nghệ nhân lấy làm khuôn mẫu và cảm hứng khi sáng tác hoa văn cho gốm Chu Đậu.
Màu vẽ dưới men chủ yếu là Oxy cô-ban, phủ ngoài men tro hoặc màu nâu nền men trắng nhạt đã tạo nên sắc thái rất riêng của gốm Chu Đậu. Người thợ vẽ đã phản ánh sinh động khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân dã của người Việt, trên mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu đều khắc họa một bức tranh sinh động của làng quê, từ hoa sen, hoa cúc, đến cảnh chăn trâu, chim đậu trên cành, đàn cá bơi dưới nước, thể hiện vẻ đẹp thuần khiết, mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là cặp bình Âm, Dương. Bình Âm là sự hiện thân của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nết na. Còn bình Dương đại diện cho người đàn ông, là trụ cột là nền tảng trong gia đình. Người ta nói, người là tinh hoa của trời, gốm là tinh hoa của đất. Nên nói đến gốm phải nói đến đất. Điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét làm gốm. Đất làm ra gốm Chu Đậu được khai thác ở một nơi đặc biệt tại vùng đất thiêng Chí Linh. Trời đất đã phú cho vùng đất nơi đây một nguyên liệu quý giá để làm gốm-đó là đất sét trắng, trầm tích được lắng đọng qua nhiều năm ở nơi giao nhau của những con sông. Đó là loại đất quý hiếm, ít tạp chất, qua nhiều công đoạn lọc, ủ rồi lắp ghép và gia công đã tạo nên những tác phẩm gốm với dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... tất cả đều đẹp hoàn hảo.
BTK