Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc.Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương.
Thực hiện hiệu quả việc đổi mới mô hình tăng trưởng
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, thực hiện nghiêm túc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương; đã chỉ đạo xây dựng hoàn thành các đề án, phương án nhân sự, tài chính, tài sản, bảo đảm sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đến nay, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025-2030 đã hoàn thiện lần 05, gửi xin ý kiến Đại hội các chi bộ, đảng bộ cơ sở; 100% Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã hoàn thành xây dựng Báo cáo chính trị gửi xin ý kiến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân theo quy định; đã tổ chức thành công Đại hội điểm cấp cơ sở của tỉnh (Đảng bộ xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên).
Quang cảnh buổi làm việc Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần dân, vì Nhân dân phục vụ; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, của Nhân dân trong tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới; đẩy mạnh đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Về phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả và thực chất việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình Hợp tác xã kiểu mới, nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương; tạo điều kiện, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển. Quy mô nền kinh tế từng bước được mở rộng, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 5,32%; trong đó năm 2024 đạt 6,05%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 39,3 triệu đồng, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2020.
Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 đạt 75,6% kế hoạch, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 78,7% kế hoạch. Tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng; các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng quy mô từ 1 làn xe lên 2 làn xe; 170km đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V miền núi; 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; toàn bộ số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm; triển khai thực hiện Dự án đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân được quan tâm thực hiện đồng bộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 5,6%/năm (trong đó năm 2024 giảm 6,26%) với 46.186 hộ thoát nghèo. Giai đoạn 2020-2024, hoàn thành việc xóa 19.553 nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu đến hết quý II/2025 hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát. 100% các huyện thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở - trung học phổ thông. Hệ thống tổ chức y tế từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm; toàn tỉnh có 10,17 bác sỹ/vạn dân, 45,7 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,25%.
Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời tập trung xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Khách du lịch đến Hà Giang ngày càng tăng, đạt trên 3,5 triệu lượt người, tăng trên 33% so với nhiệm kỳ trước…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh còn thấp kém, chưa đồng bộ. Việc duy trì các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới chưa bền vững. Chất lượng giáo dục chưa được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 36,35%). Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và Nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện còn 03 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chưa đạt là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Lương Tam Quang trao quà của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng đại diện các gia đình chính sách tỉnh Hà Giang tại buổi làm việc. Chú trọng các giải pháp phát triển trên 3 lĩnh vực trụ cột
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương, ghi nhận Đảng bộ, Chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã luôn chủ động, đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những bước phát triển khá toàn diện trên các mặt kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong nỗ lực cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tổng Bí thư khẳng định, quá trình phát triển, Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhưng tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trước hết là nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo và quý giá cho phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu; phát triển nhiều loại dược liệu quý như tam thất, đương quy, giảo cổ lam, hà thủ ô, atiso,..., có thể phát triển quy mô công nghiệp ở nhiều tiểu vùng.
Tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn với Công viên địa chất Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là di sản Công viên địa chất toàn cầu, có cảnh quan đặc sắc với những khối đá cổ, hang động và hẻm vực sâu, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Tỉnh nằm ngay cạnh một thị trường vô cùng tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tăng cường quan hệ thương mại giữa nước ta với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng kết nối có nhiều tiến bộ và sắp tới sẽ được cải thiện thêm, tạo thuận lợi cho việc đi lại và luân chuyển hàng hóa đến các thị trường lớn…
Đồng ý với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối đại đoàn kết toàn dân. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt chú trọng công tác nhân sự và xây dựng văn kiện Đại hội, thể hiện ý chí khát vọng vươn lên.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở phải mang tính đặc trưng, đặc thù, sát cơ sở, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở cơ sở, thiết thực góp phần nâng cao đời sống người dân ở từng thôn bản, làng xã, khuyến khích động viên mọi người tham gia lao động sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần. Các nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Đại hội Đảng bộ huyện phải được triển khai ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội và phải thực sự tạo chuyển biến ở từng cấp, từng thôn bản, từng người dân.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, Tổng Bí thư yêu cầu Tỉnh ủy tiến hành rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh không trông chờ vào Trung ương, mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, đổi mới chính mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động tìm giải pháp khơi thông mọi nguồn lực để hiện thực hoá những tiềm năng lớn trên 3 lĩnh vực trụ cột là du lịch, kinh tế biên mậu, nông lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao, để tạo nên những thành tựu lớn trong phát triển.
Tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ; tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong cả nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tập trung đào tạo lao động, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, ý chí tự lực vươn lên của mọi người dân, mọi cộng đồng thiểu số để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những mô hình tốt, những cách làm sáng tạo cần được biểu dương, nuôi dưỡng và nhân rộng. Chú ý phát triển những bản làng văn hóa; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP cả về chất lượng, mẫu mã và thương hiệu.
Tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đa chức năng, nhất là phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển các sản phẩm đặc sản, hữu cơ, an toàn gắn với phát triển du lịch bền vững. Chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu, phát triển dịch vụ logistics, hạ tầng y tế, giáo dục và các hạ tầng thông minh. Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử. Chú trọng quản lý phát triển rừng và tài nguyên nước, đây là 2 tài nguyên quý giá tác động lớn đến tương lai phát triển bền vững của Hà Giang.
Chú trọng gìn giữ, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội; an ninh biên giới phải gắn với bảo vệ văn hóa và phát triển kinh tế biên giới. Khuyến khích người dân định cư lâu dài ở khu vực biên giới thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức quốc phòng, khuyến khích các dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới và duy trì ổn định địa bàn. Tỉnh phải thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống cho Nhân dân với những kế hoạch, hành động cụ thể; tạo điều kiện phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo bền vững...
Cơ bản tán thành các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với từng vấn đề cụ thể trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành với sự năng động, sáng tạo, đột phá của tỉnh.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã trao 20 phần quà tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.