Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hà Giang chú trọng chăm lo đời sống đồng bào dân tộc rất ít người

PV - 10:53, 10/08/2021

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 TDTS rất ít người (số dân dưới 10.000 người) gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã quan tâm, triển khai hiệu quả các nguồn đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiết mục biểu diễn múa kiếm của dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, phục vụ du lịch. (Ảnh chụp tháng 6/2020).
Tiết mục biểu diễn múa kiếm của dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, phục vụ du lịch. (Ảnh chụp tháng 6/2020).

Cộng đồng dân tộc Cờ Lao hiện có 505 hộ, sinh sống tại 44 thôn, 22 xã, thuộc 7 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53%. Thực hiện Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Cờ Lao ; giai đoạn 2013 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 10 công trình với tổng kinh phí 50.847,7 triệu đồng, gồm: 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình điện sinh hoạt, 1 công trình cấp nước, 4 công trình giao thông nông thôn.

Tỉnh cũng bố trí kinh phí 19.317,5 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, kéo điện hộ gia đình, xây khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, đào tạo nghề, cấp tủ thuốc cho thôn, bản, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, mua sắm trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp máy thu thanh hộ gia đình, mua sắm nhạc cụ, trang phục dân tộc, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống; lắp đặt trạm truyền hình không dây, hỗ trợ bình đẳng giới. Qua đó, giúp cộng đồng dân tộc Cờ Lao vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa và ổn định cuộc sống.

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đến nay, tỉnh đã phân cấp, đầu tư 47 công trình cơ sở hạ tầng với tổng nguồn vốn 100.537 triệu đồng, trong đó: Xây dựng 16 công trình đường giao thông, cầu cống; 18 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 3 công trình điện sinh hoạt; 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học và 1 công trình hạ tầng khác. Bố trí 101.104 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

Bên cạnh các chính sách đặc thù, đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn tỉnh còn được thụ hưởng chính sách từ các chương trình, đề án phát triển vùng đồng bào DTTS như: Chương trình 30a, 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ Người có uy tín trong đồng bào TDTS; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bình đẳng giới; phát triển nguồn nhân lực các DTTS; chính sách tín dụng, đào tạo nghề, việc làm cho người nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở và các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...

Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã xây dựng 10 nghị quyết, 39 đề án đặc thù và vận dụng linh hoạt, sáng tạo 19 nghị quyết và 56 đề án của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội với tổng kinh phí thực hiện trên 1.560 tỷ đồng. Trong 5 nhóm nội dung mục tiêu chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tỉnh có 14/20 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Thực tế, đồng bào TDTS chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, núi cao, địa hình bị chia cắt, thời tiết khắc nghiệt; thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo cao; cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Việc triển khai hiệu quả chiến lược công tác dân tộc gắn liền với các mục tiêu phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, cơ bản phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Đồng bào TDTS tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, giữ gìn an ninh quốc phòng, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc.

Từ năm 2021, các đề án, chương trình về phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS rất ít người được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 120/QH14/2020 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống./.